Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm của gia đình mình khi làm hồ sơ xin PR từ Việt Nam theo diện Federal Skilled Worker – Express Entry năm 2017, hy vọng đã ghi lại được những bước chính từ khi bắt đầu cho đến khi đáp tại Canada.
Các chương trình di trú của Canada được cập nhật thường xuyên, những gì mình hay người khác làm có thể không còn được áp dụng khi bạn làm nữa. Vì vậy, để biết thông tin mới nhất, bạn hãy luôn tìm hiểu trên website chính thức của CIC/tỉnh bang, hoặc tìm đến người tư vấn có thẩm quyền.
Canada Permanent Resident (PR) có quyền lợi gì
Tạm dịch từ trang của chính phủ: Understand PR status
“Thường trú nhân Canada/Canada PR” là công dân của nước khác nhưng có quyền sống, học tập, làm việc tại Canada, được hưởng hầu như mọi quyền lợi của một công dân Canada.
Quyền lợi:
- Có hầu hết mọi quyền lợi về an sinh mà công dân Canada được hưởng, tức là các quyền lợi về y tế, giáo dục v.v..
- Sống, học tập, làm việc tại bất cứ đâu trên Canada
- Được luật pháp Canada bảo vệ
- Nộp đơn xin quốc tịch Canada khi đã đủ điều kiện
Nghĩa vụ:
- Đóng thuế và tuân thủ luật pháp của Canada
- Để giữ PR, cần phải sống tại Canada ít nhất 730 ngày (tương đương 2 năm) trong vòng 5 năm, không cần ở liên tục
Hạn chế:
- Không có quyền bầu cử hay ứng cử vào các tổ chức chính trị
- Không có cơ hội làm việc ở những vị trí đòi hỏi tính bảo mật cao, ví dụ liên quan đến an ninh quốc phòng (jobs that need a high-level security clearance)
Tóm tắt quá trình xin PR qua chương trình Federal Skilled Worker
Với mình, định cư theo chương trình Federal Skilled Worker (FSW), tạm dịch ”Định cư theo dạng lao động có tay nghề” gần giống như thi đại học. Bạn có điểm thi của bạn, trường có điểm chuẩn, nếu điểm của bạn lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn, bạn sẽ nhận được giấy mời nhập học.
Tương tự, FSW đưa ra một bảng tiêu chí dựa trên tuổi, bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, điểm tiếng Anh/Pháp v.v…, từ đó bạn sẽ tính được “điểm” của mình. Hầu như hàng tháng, CIC sẽ công bố “điểm chuẩn”. Nếu điểm của bạn lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn, bạn sẽ nhận được “Thư mời nộp PR”.
Khi có thư mời, bạn bổ sung giấy tờ, chính thức nộp hồ sơ. Sau vài tháng xét duyệt, nếu không có vấn đề gì, CIC sẽ cấp visa và tờ giấy “Confirmation of Permanent Residence (CoPR)” cho bạn.
Có visa và CoPR rồi, bạn có thể đáp ở bất cứ nơi nào ở Canada (trừ Quebec) để “activate PR status”, chính thức trở thành thường trú nhân của xứ Cà.
Các cột mốc chính, click hình để phóng to
Bước 1: Tự đánh giá hồ sơ bản thân
[1.1] Điều kiện để mở hồ sơ Express Entry
Eligibility to apply as a Federal Skilled Worker (Express Entry)
Tóm lượt các yêu cầu chính:
(a) Có ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc (Level 0, Level A hoặc Level B) thuộc một trong những ngành Canada quy định – National Occupational Classification (NOC). Xem thêm các điều kiện khác cho 1 năm kinh nghiệm này tại đây.
Ví dụ, mình làm IT Business Analyst thì mình thuộc Skill Level A, NOC 2171 – Information systems analysts and consultants.
(b) Tiếng Anh hoặc Pháp: Bốn kỹ năng (Nghe, nói, đọc, viết) đạt ít nhất chuẩn CLB 7.
CLB = Canadian Language Benchmark
Với IELTS General, CLB 7 có nghĩa tối thiểu cần đạt 6.0 từng môn. Xem bảng này để biết cách quy đổi IELTS General qua CLB
(c) Nếu học tại Canada, phải tốt nghiệp từ secondary or post-secondary. Nếu học ngoài Canada, tối thiểu phải tốt nghiệp cấp 3 và có làm “đánh giá bằng cấp” Educational Credential Assessment (ECA).
“Đánh giá bằng cấp” nôm na là gửi bằng và bảng điểm cho một đơn vị trung gian để đơn vị này xét xem bằng cấp đó có tương đương với bằng cấp của Canada hay không hay tương đương như thế nào. Theo kinh nghiệm bản thân mình và một số bạn bè, bằng đại học tại Việt Nam được công nhận là tương đương bằng đại học tại Canada.
Làm “Đánh giá bằng cấp” mất thời gian, công sức, và tiền bạc nên chỉ làm nếu quyết định sẽ mở hồ sơ Express Entry. Xem chi tiết cách làm ở bước [2.2]
(d) Đạt ít nhất 67/100 điểm theo bảng đánh giá “Six selection factors” – Six selection factors – Federal Skilled Worker Program (Express Entry) – Quan trọng
Đây không phải là điểm để nhận thư mời nộp PR.
- Nếu có dưới 67/100, bạn chưa thể mở hồ sơ Express Entry, cần tìm cách cải thiện điểm hoặc xem xét những chương trình khác không phải Express Entry.
- Nếu đạt từ 67/100 trở lên, bạn có thể mở hồ sơ trong hệ thống Express Entry. Khi mở rồi, bạn sẽ có điểm CRS. Điểm CRS là điểm quyết định bạn có nhận thư mời nộp PR hay không. Xem về điểm CRS ở mục [1.3] bên dưới.
Trên CIC không thấy bảng tính điểm tự động cho mục “Six selection factors” này. Ngày xưa mình lấy Excel ra, tính từng mục rồi cộng lại. Nếu tìm được tool nào tính tự động, mình sẽ bổ sung vào bài viết.
(e) Có ‘ít tiền lận lưng’. Đây là số tiền bạn cần chứng minh là bạn có, không phải là tiền nộp cho CIC. Ví dụ, nếu độc thân thì bạn cần có ít nhất CAD 12,475 (~222 triệu VND). Nếu đang đi làm ở Canada hay có job offer từ Canada thì không phải chứng minh phần này.
Đây là screenshot số tiền tối thiểu cần có khi mình làm hồ sơ năm 2017. CIC có thể cập nhật số tiền này, cần xem link để biết quy định mới nhất.
(f) Một số yêu cầu về sức khỏe & an ninh khác: không có tiền án tiền sự, không liên quan đến các tổ chức nguy hại đến an ninh của Canada, sức khỏe tốt, v.v..
(g) Không có ý định sống ở Quebec. Quebec có chính sách nhập cư riêng, xem ở đây.
[1.2] Làm Eligibility Test
This information is for reference only and no immigration decision will be made based on your answers. If you choose to apply, your application will be considered by an immigration officer in accordance with the Immigration and Refugee Protection Act, without regard to any outcome you attain through this questionnaire.
[1.3] Tính điểm CRS (Điểm để nhận thư mời) – Rất quan trọng!
Link tự tính điểm:
Link xem điểm tối thiểu để nhận thư mời (cut-off score):
Ví dụ, trong lần draw ngày 22/08/2018, cut-off score là 440. Có 3,750 hồ sơ đang active trong pool đã nhận được thư mời.
>> Đến đây, bạn đã xem qua các điều kiện mở hồ sơ, tính điểm CRS & cân nhắc có tạo account Express Entry hay không, nếu có, qua Bước 2.
Bước 2: Thi IELTS General, làm Đánh giá bằng cấp, tạo Express Entry account & submit để vào pool
[2.1] Thi IELTS General Training
Cần phải thi IELTS General Training nếu bạn chưa từng thi hoặc đã thi cách đây hơn 2 năm. Lưu ý phải là General Training, Express Entry không xét kết quả Academic.
Ngoài ra, CIC công nhận bằng tiếng Pháp CELPIP (Canadian English Language Proficiency Index Program) hoặc TEF: Test d’évaluation de français). Mình không biết tiếng Pháp nên không có ý kiến phần này.
[2.2] Đánh giá bằng cấp – Educational Credential Assessment (ECA)
Như đã nói ở Bước 1, nếu học ngoài Canada, bạn cần làm bước “Đánh giá bằng cấp”, tức gửi bằng và bảng điểm cho một đơn vị trung gian để đơn vị này xét xem bằng cấp đó có tương đương với bằng cấp của Canada hay không.
Thông tin về Educational credential assessment (ECA) từ CIC
Các nơi làm ECA được CIC công nhận hiện nay:
- Comparative Education Service – University of Toronto School of Continuing Studies
- International Credential Assessment Service of Canada
- World Education Services
- International Qualifications Assessment Service
- International Credential Evaluation Service
Bản thân mình và một số bạn bè mình biết làm với World Education Services (WES). Đọc thêm bài: Kinh nghiệm làm ECA với WES
[2.3] Khi đã có IELTS và ECA, tạo Express Entry account trên CIC, điền đầy đủ thông tin và submit để vào pool
Tạo Express Entry account trên CIC (myCIC account)
- Nên ghi lại password, security question, screenshot lại tất cả những thông tin bạn khai trong myCIC account.
- Khi tính thử điểm CRS, bạn có thể “điền đại” IELTS và chưa cần làm ECA, nhưng để vào pool, bạn cần thi IELTS và làm ECA cho xong. Lý do: bạn phải nhập “IELTS Test Report Form Number” và “ECA Report Number” mới submit vào pool được.
- “Vào pool” không có nghĩa là bạn chính thức nộp hồ sơ PR, chỉ có nghĩa bạn đang “dự tuyển” cùng với hàng ngàn người khác. Bạn phải chờ thư mời.
- Sau khi submit vào pool, bạn vẫn có thể cập nhật profile, đọc quy định CIC về cập nhật profile ở đây.
>> Đến đây, bạn đã tạo Express Entry account, submit vào pool, chờ nhận thư mời.
Bước 3: Nhận thư mời, Chuẩn bị giấy tờ, Chính thức nộp hồ sơ xin PR
[3.1] Nhận thư mời – Invitation to Apply (ITA)
Thường hàng tháng, CIC sẽ công bố điểm cut-off của chương trình Express Entry, không phải tháng nào cũng có. Nếu hồ sơ bạn đang “active” trong pool và điểm CRS >= cut-off, CIC sẽ gửi thư mời qua myCIC account.
Sau khi có thư mời, nếu hồ sơ có thay đổi, điểm CRS sẽ bị tính lại. Sau khi tính lại, điểm CRS mới lớn hơn hoặc bằng cut-off thì không sao, còn ít hơn thì mặc dù đã có thư mời, hồ sơ sẽ không được xét tiếp. Xem thêm phần “When a candidate’s situation changes after the ITA is issued“. Phần tính lại điểm này cũng được nói tới trong thư mời.
[3.2] Làm theo hướng dẫn của thư mời, upload giấy tờ và submit hồ sơ xin PR
Theo quy định gần đây nhất, bạn có 60 ngày để quyết định có chính thức nộp hồ sơ PR hay không (trước đây là 90 ngày). Nếu không nộp nữa, bạn có thể “từ chối” thẳng trên myCIC acccount hoặc không làm gì cả, quá hạn 60 ngày tự động thư mời hết hạn và hồ sơ sẽ bị ra khỏi pool. Nếu sau này muốn nộp lại, bạn phải tạo hồ sơ mới.
Nếu chấp nhận thư mời, để chính thức nộp hồ sơ xin PR, bạn cần upload các giấy tờ CIC yêu cầu. Cái nào chỉ có tiếng Việt thì phải có bản dịch có công chứng đi kèm. Tất cả cần được scan, tốt nhất scan màu hết và upload lên myCIC account. MyCIC account sẽ có các “place holder” để bạn upload file lên.
Chủ yếu có các giấy sau:
(a) Passport
(b) Education Records (ECA Report, Bằng, Bảng điểm)
>> Quy định của CIC & kinh nghiệm làm ECA: xem phần [2.2] bên trên
Q: Ngoài ECA cho mình, có cần làm ECA cho vợ/chồng đi chung không?
A: Lúc tính điểm CRS, bạn có liệt kê bằng cấp của vợ/chồng không? Nếu có, bạn phải làm ECA cho vợ/chồng. Tóm lại, hễ bạn claim điểm CRS những phần nào, bạn phải có giấy tờ chứng minh những phần đó. Hơn nữa, theo ý riêng của mình, có claim điểm CRS hay không vẫn nên làm ECA cho vợ/chồng, sau này khi xin việc ở Canada, ghi vào Resume là bằng cấp mình được Canada công nhận vẫn tốt hơn.
(c) Employment Records
>> Quy định của CIC: Link (xem phần “Proof of work experience”)
>> Kinh nghiệm của mình: Chuẩn bị Employment Reference Letter
Q: Ngoài Employment Reference Letter cho mình, có cần làm Employment Reference Letter cho vợ/chồng đi chung không?
A: Ở đây mình giả sử cả hai vợ chồng đều chưa có kinh nghiệm làm việc tại Canada. Bản thân bạn cần làm Employment Reference Letter để claim điểm CRS, còn vợ/chồng thì không cần vì CIC không tính điểm cho phần kinh nghiệm “ngoài Canada” của vợ/chồng. Một số người vẫn làm vì dù không nộp cho CIC, họ vẫn muốn có giấy Reference Letter đem theo, cái này tùy mỗi người.
(d) Police Certificate(s) – Lý lịch tư pháp
>> Quy định của CIC: Link
>> Kinh nghiệm của mình: Singapore Certificate of Clearance & Lý lịch tư pháp VN tờ số 2
Q: Nộp Police Certificate của những ai?
A: Cần nộp Police Certificate của bản thân và các thành viên trong gia đình (vợ/chồng/con) miễn họ trên 18 tuổi dù họ có đi chung với bạn hay không (you and your family members).
Q: Nộp Police Certificate của những nước nào?
A: Tất cả các nước mà bạn hay thành viên gia đình ở liên tục trên 6 tháng sau 18 tuổi trong vòng 10 năm gần đây (every country you or a family member stayed in during the last 10 years for 6 months or more in a row). Những nơi ở trước 18 tuổi hoặc thời gian ở Canada thì không cần nộp.
Q: Cần làm gì nếu nước đó cần CIC gửi thư yêu cầu mới cấp Police Certificate?
A: Một số nước (như Singapore) chỉ cấp Police Certificate nếu CIC gửi thư yêu cầu. Bạn upload 1 tờ giấy ghi “I am applying from a country that requires an official request letter from IRCC to get a police certificate.” lên myCIC account. CIC sẽ gửi thư yêu cầu cho bạn, bạn cầm tờ này đi xin Police Certificate. Xem hướng dẫn của CIC, phần “If you need a request letter”.
(e) Proof of Medical Exam – Khám sức khỏe ở nơi được CIC chỉ định
>> Quy định của CIC: Link
>> Kinh nghiệm của mình: Khám sức khỏe ở Fullerton, Singapore
Q: Ai cần khám sức khỏe?
A: Bạn và các thành viên trong gia đình (vợ/chồng/con) dù họ có đi chung với bạn hay không (you and your family members).
Q: Khám ở đâu?
A: Xem danh sách những nơi CIC chỉ định
(f) Payment Receipt – Biên lai tiền phí xét PR
>> Quy định của CIC: Link
Q: Đây là tiền gì, đóng như thế nào, bao nhiêu?
A: Đây là chi phí để CIC xét hồ sơ của bạn. Đóng online bằng credit hay debit card. CIC sẽ gửi bạn tờ biên lai (PDF) để bạn upload lên myCIC account. Số tiền cần đóng xem ở đây, mình copy lại dưới đây.
(g) Proof of Funds – Chứng minh tài chính
>> Quy định của CIC: Link
>> Kinh nghiệm của mình: Chuẩn bị Proof of funds (POF)
(h) Digital Photo – Hình thẻ
>> Quy định của CIC: Link
(i) Form kê khai thông tin về bản thân, gia đình, address history, travel history, v.v..
>> Sẽ có hướng dẫn trong myCIC account, bạn download, điền đầy đủ thông tin, scan & upload.
CIC lâu lâu sẽ cập nhật các form này. Luôn luôn download form mới nhất từ website của CIC, không download từ các trang web khác hay dùng lại mẫu đơn của người khác đã nộp vì mẫu đó có thể đã cũ.
(j) Letter of Explanation (Optional)
>> Nếu muốn giải thích thêm gì cho hồ sơ thì bạn viết Letter of Explanation (word/pdf) rồi upload.
Lưu ý: Bạn phải upload tất cả các giấy tờ CIC yêu cầu trước thời hạn 60 ngày, nếu thiếu phải có lý do chính đáng, ví dụ tôi chưa nộp Singapore Police Certificate vì Singapore Police làm chậm trễ (cần có bằng chứng). Nếu bạn nộp thiếu hoặc không có lý do chính đáng, nhiều khả năng CIC sẽ đánh rớt chứ họ không “nhắc” hay “đợi” bạn làm cho xong.
Trước khi bấm “submit”, hãy kiểm tra thật kỹ: đã upload hết những giấy tờ CIC yêu cầu, cái nào chỉ có tiếng Việt cần có bản dịch công chứng, nên sắp xếp bản tiếng Anh nằm trước, bản tiếng Việt ngay phía sau, giấy tờ nào cần scan nên scan màu. Nếu được, hãy nhờ người khác xem qua dùm, một mình nhìn hoài sợ hoa mắt mà không nhìn ra lỗi. Mình từng thấy trên forum nhiều bài “la làng” như “submit thiếu”, “upload nhầm file”, nhiều phiền toái mà nếu cẩn thận thì đã tránh được.
Sau khi kiểm tra mọi thứ, bạn submit hồ sơ online và sẽ nhận được “Acknowledgement of Receipt (AOR)”.
>> Khi có AOR, CIC đã chính thức nhận được hồ sơ xin PR của bạn và sẽ từ từ xử lý.
Bước 4: Chờ đợi & cập nhật CIC nếu hồ sơ có thay đổi
- Thời gian CIC xử lý hồ sơ tùy thuộc nhiều thứ: chính sách của CIC lúc đó, độ hên xui của hồ sơ bạn v.v.. Lúc mình làm, thời gian trung bình cho hồ sơ FSW-EE outland là 6 tháng. Bản thân mình mất gần 8 tháng. Những người nộp chung cùng đợt có người xong trong 2-3 tháng. Bạn có thể xem thời gian xử lý trung bình ở đây.
- Nếu hồ sơ bạn có thay đổi, ví dụ kết hôn, ly dị, có con v.v.., phải nhanh chóng báo cho CIC biết. Dùng CSE tool (IRCC Webform) để thông báo cho CIC.
- Thường xuyên vào myCIC account để xem có thông báo hay yêu cầu bổ sung gì không. Tránh ngày nào cũng vào xem sẽ dễ ức chế, nói vậy chứ lúc trước ngày nào mình cũng vào xem cả.
- Nếu chờ lâu quá, ví dụ hơn 6 tháng mà hồ sơ không có “tiến triển” gì, bạn có thể gọi điện lên CIC để hỏi thăm. Số điện thoại ngày trước mình gọi là (+1) 888-242-2100, chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới gặp được nhân viên của CIC. Họ rất lịch sự, kiên nhẫn, sẽ giúp kiểm tra xem hồ sơ của bạn ở bước nào. Phần lớn họ cũng chỉ cung cấp những thông tin mà bạn tự coi được trên myCIC account, tuy nhiên có lúc họ cũng có thông tin mà myCIC chưa có, ví dụ lúc trước hồ sơ của mình đã được duyệt (approved) nhưng mình chưa nhận được tin gì, gọi điện lên, nghe đã được approved mình mừng quá chừng.
- Sau khi nghe hồ sơ được “approved”, chờ thêm 3 tuần không thấy gì, mình gửi mail tới CPC-CTD-Ottawa@cic.gc.ca, gửi hú họa thôi thì CIC trả lời “Please note that your application was approved and a Ready for Visa letter will be sent shortly. Please check your inbox and spam folder and notify our office if you have not received this letter.”, ngày hôm sau thấy PPR (!), không biết có phải tại mình gửi mail nhắc hay theo lịch trình thì PPR sẽ tới ngày đó nữa.
- Đọc quy định của CIC về việc cập nhật thông tin nếu hồ sơ có thay đổi sau khi đã submit application (Phần “How to update your information after you submit your application”)
- Trước khi có AOR, điểm CRS sẽ bị tính lại nếu bạn kết hôn, ly dị v.v… Sau khi đã có AOR, điểm CRS không bị tính lại nếu bạn kết hôn, ly dị, có con v.v.. Xem quy định tại đây.
Bước 5: Nhận “Confirmation of Permanent Resident” & Lên đường
[5.1] Nhận “Passport Request Letter” (PPR), làm theo hướng dẫn để nhận “Confirmation of Permanent Resident” (CoPR)
Nếu mọi thứ tốt đẹp, bạn sẽ nhận email với tựa đề “Ready for Visa“. Đây là “Passport Request Letter” (PPR), trên forum hay gọi là “golden email”. Xin chúc mừng, 99% hồ sơ đã xong xuôi. Email này sẽ hướng dẫn cách gửi passport & hình thẻ đến Visa Office.
Visa office xử lý passport Việt Nam nằm ở Singapore. Thời gian đó mình ở Singapore nên cứ đem passport đến nộp, không phải gửi qua bưu điện.
Visa Office sẽ:
(1) Dán visa Canada vào passport và
(2) Đưa cho bạn tờ giấy “Confirmation of Permanent Resident” (CoPR). CoPR, như tên gọi của nó, là tờ giấy công nhận CIC đồng ý cấp PR cho bạn.
Cần giữ tờ CoPR thật kỹ, tránh làm nhăn nheo nhàu nát. Đây sẽ là tờ giấy ”mang” bạn đến Canada. Qua Canada rồi bạn phải giữ nó để làm các giấy tờ khác, có thẻ PR rồi bạn cũng cần giữ để dễ dàng làm các thủ tục sau này, cơ bản là giữ hoài.
[5.2] Lên đường
Bạn cần đáp ở Canada 1 năm tính từ ngày có CoPR hoặc tính từ ngày khám sức khỏe (whichever earlier).
Xem ghi chú của CIC khi hồ sơ đã được duyệt xong
Xem danh sách giấy tờ cần mang theo khi đáp lần đầu tại Canada
Các việc cần làm còn lại:
- Mua vé máy bay
- Mua Bảo hiểm y tế 3 tháng đầu nếu bạn đến Ontario hoặc tỉnh nào đó mà bảo hiểm y tế của chính phủ chưa có hiệu lực ngay ngày đáp.
- Điền sẵn form Goods Accompanying List, Goods to Follow List (Form B4 / B4A) phòng khi cần khi làm thủ tục đáp tại sân bay. Mình có làm nhưng không ai hỏi, có khi tại đáp lúc nửa đêm, mặt mũi bơ phờ nhìn tội.
- Chuẩn bị hành lý. Đọc quy định được mang cái gì vào Canada từ website của Canada Border Services Agency (CBSA). Xem thêm các món có thể mang theo ở website này. Mình không muốn hành lý có rắc rối gì nên không đem đồ ăn gì hết, chủ yếu chỉ quần áo, đồ dùng cá nhân.
- Khi đáp, bạn sẽ làm thủ tục nhập cảnh với nhân viên hải quan tại quầy. Họ sẽ hỏi một số câu như: bạn sẽ ở đâu (PR card sẽ được gửi về đó), có đem hơn $10,000 tiền mặt không v.v… Xong bước này, nhân viên hải quan sẽ ghi thông tin lên tờ CoPR, ký tên, chính thức chào mừng bạn đến với Canada.
- Thẻ PR sẽ được gửi về địa chỉ bạn khai báo, thường sau 2-3 tháng.
Vé máy bay nhà mình mua của Eva Air. Giá 32 triệu / 2 người / 1 chiều từ Sài Gòn tới Pearson (YYZ), Toronto. Tổng giờ bay 19:45 hrs, transit ở Taipei 2:40 hrs. Hành lý gửi 2 kiện/người, mỗi kiện 23 kg, xách tay 7 kg/người. Chuyến đi khá tốt, bay đúng giờ, dịch vụ okay, đồ ăn được.
Phần bảo hiểm y tế, mình không biết gì mấy nên google và mua đại bảo hiểm Visitors to Canda của Allianz (mua online, giá $686.34 / 2 người / 93 ngày, sum insured $100K)
Đọc thêm bài: Chuẩn bị hành lý lên đường
Các câu hỏi thường gặp
Q: Chương trình này có còn lúc bạn đọc bài này không?
A: CIC cập nhật chính sách thường xuyên, một ngày nào đó họ có thể bỏ hẳn chương trình này, hoặc thay đổi nhiều điều kiện. Bạn hãy kiểm tra trên website của CIC, mọi thông tin đều được đăng tải đầy đủ.
Q: Có cần nộp qua agent hay tự làm được?
A: Tự làm được. Theo kinh nghiệm cá nhân, mới bắt đầu mà đọc website của CIC cũng hơi oải, bạn cứ google xem các bài chia sẻ của mọi người. Bài blog này hy vọng đã ghi lại được những bước chính để bạn dễ hình dung. Bạn cũng nên tham gia forum này, rất nhiều người đã trả lời những câu bạn có thể đang thắc mắc, nên đọc càng nhiều càng tốt.
Luôn nhớ CIC có thể thay đổi quy định thường xuyên, những gì người khác đã làm có thể không còn được áp dụng khi bạn làm nữa, vì vậy phải luôn lên website CIC để kiểm chứng.
Tất nhiên nếu tìm được agent nào uy tín, chi phí hợp lý thì bạn cứ làm với họ, cũng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian tìm hiểu.
Q: Nộp qua agent có được ưu tiên gì không?
A: Không.
Q: Làm FSW EE có đi được cả nhà (vợ/chồng, con) cùng lúc không?
A: Được. Ở phần tính điểm CRS, câu “2) ii. Will your spouse or common-law partner come with you to Canada?”, trả lời “Yes”.
Q: Làm sao để tăng điểm CRS?
A: CIC tính điểm rõ ràng và công khai, bạn tự xem mục nào thì tăng điểm được, ví dụ: nâng điểm IELTS, làm đủ 3 năm kinh nghiệm, học thêm bằng, học tiếng Pháp v.v…
Một số bạn chọn qua Canada du học. Du học & định cư sau du học là đề tài bao la, mình không có kinh nghiệm trực tiếp nên không có ý kiến gì thêm, tuy nhiên mình đã gặp khá nhiều bạn chọn cách qua đây học 1-2 năm, sau đó xin việc làm rồi xin PR.
Q: Nếu điểm CRS thấp hơn so với điểm cut-off, có nên tạo hồ sơ không?
A: Tùy bạn. Chắc không ai nói được điểm cut-off sẽ lên hay xuống trong thời gian tới. Nếu điểm gần với cut-off trong thời gian gần đây, theo mình bạn cứ nên vào pool “chờ thời”, song song đó tìm hiểu thêm các chương trình định cư khác.
Bản thân mình khi vào pool cũng không nghĩ là sẽ được vì cut-off lúc đó rất cao so với điểm của mình. Một ngày đẹp trời CIC hạ điểm, thế là mình nhận được thư mời! Cái này hay không bằng hên.
Q: Có cần học ở Canada hay từng làm việc ở Canada?
A: Không cần. Nếu có, bạn sẽ được thêm điểm CRS.
Q: Có cần có job offer ở Canada?
A: Không cần. Nếu có, bạn sẽ được thêm điểm CRS.
Q: Có cần có bà con ở Canada?
A: Không cần. Nếu có anh chị em ruột trên 18 tuổi là Canada citizen/PR, bạn sẽ được thêm điểm CRS.
Q: CIC tính tuổi (age) như thế nào? Vào pool rồi mà qua sinh nhật thì tuổi có tăng, điểm có giảm không?
A: Bạn có thể xài tool này để tính tuổi
Tuổi là một trong những yếu tố quan trọng CIC dùng khi tính điểm CRS. Nhìn vào bảng CIC tính điểm thì từ 20 đến 29 tuổi là thời điểm “đẹp nhất” để vào pool. Sau 29 tuổi, mỗi năm mình đều bị mất điểm. Tuy nhiên chuyện này bản thân mình không thay đổi được rồi nên chỉ còn nước tìm hiểu CIC quy định như thế nào.
Khi vào pool, tuổi và điểm CRS sẽ được (đúng hơn là “bị”) cập nhật. Tức là, khi còn đang chờ thư mời, qua ngày sinh nhật CIC sẽ tự cập nhật tuổi trong hệ thống và “chỉnh” điểm CRS. Tuy nhiên một khi nhận được thư mời, tuổi sẽ được “lock”, tức là có thư mời rồi thì có qua sinh nhật cũng sẽ không bị hạ điểm, xem quy định ở đây.
Lưu ý: Phần tính tuổi này mình đọc từ website của CIC, bạn cần đọc CIC kỹ hơn hoặc tham khảo nguồn khác nữa nếu tuổi là phần ảnh hưởng lớn đến hồ sơ của bạn.
Q: Có phải các bước làm hồ sơ FSW EE đều làm qua mạng (electronic) không?
A: Phải. Trừ bước đánh giá bằng cấp (ECA) là phải gửi bằng & bảng điểm qua Canada, các bước tiếp theo đều qua mạng: tạo myCIC account, nhận thư mời, upload giấy tờ, nhận AOR, v.v.. Ở bước cuối khi đã có “Ready for Visa” email, bạn cần nộp passport gốc lên văn phòng visa để dán visa & nhận tờ giấy CoPR.
Q: Có khi nào có thư mời rồi mà hồ sơ bị từ chối không?
A: Theo mình tìm hiểu thì có, lý do cũng đa dạng. Ví dụ bạn khai trong hồ sơ là có 3 năm kinh nghiệm làm Business Analyst (NOC 2171) nhưng Employment Reference Letter không thể hiện đủ 3 năm, hoặc Job duties không hợp với NOC 2171, hoặc CIC yêu cầu tối thiểu có CAD 10,000 cho phần Proof of Funds (POF) nhưng Bank Statement chỉ tương đương CAD 9,000, hoặc bạn ở nước XYZ hơn 6 tháng nhưng không nộp Police Clearance, hoặc hồ sơ có gian dối gì đó mà CIC tìm ra được, hoặc kết quả khám sức khỏe có chút vấn đề, v.v..
Nhưng nói chung nếu bạn nộp đúng, đủ các giấy tờ CIC yêu cầu, hồ sơ trung thực, sức khỏe tốt, thì không có lý do gì CIC từ chối sau khi đã gửi bạn thư mời phải không.
Q: Tổng thời gian từ khi nộp đến khi có PR là bao lâu?
A: Lúc mình làm năm 2017, thời gian trung bình là 6 tháng. Hồ sơ mình thì gần 8 tháng, nhiều bạn được duyệt trong 2-3, thậm chí 1 tháng. Lưu ý đây là thời gian tính từ lúc có AOR, nếu mới bắt đầu, bạn phải tính thêm thời gian tìm hiểu & chuẩn bị giấy tờ (làm ECA, thi IELTS, v.v..)
Q: Tổng chi phí là bao nhiêu?
A: Tính tương đối thì chi phí cho một người độc thân tự làm hồ sơ FSW EE từ đầu đến cuối khoảng 30 triệu đồng (năm 2017).
Mục | CAD | VND |
Tiền thi IELTS General (ở TP.HCM) | 270 | 4,806,000 |
Tiền làm ECA với WES | 250 | 4,450,000 |
Tiền nộp cho CIC – Processing fee | 550 | 9,790,000 |
Tiền nộp cho CIC – Right of permanent residence fee | 490 | 8,722,000 |
Tiền làm lý lịch tư pháp tờ số 2 (ở TP. HCM) | 15 | 267,000 |
Tiền dịch thuật | 50 | 890,000 |
Khác | 50 | 890,000 |
Tổng cộng | 1,675 | 29,815,000 |
Q: Có PR rồi thì Canada có sắp xếp công ăn việc làm cho mình không?
A: Không.
Q: Qua Canada rồi có dễ tìm việc tốt không?
A: Nếu câu hỏi là “Có dễ tìm công việc đủ ăn trong lúc tôi tìm việc mà tôi ưng ý không?” thì câu trả lời là: Có.
Q: Ngoài Federal Skilled Worker (FSW), có những cách nào khác để xin định cư Canada?
A: Câu này ngoài tầm tay của mình, xin không có ý kiến kẻo nói bậy. Hiện nay có rất nhiều chương trình định cư, từ liên bang cho đến tỉnh bang, bạn có thể xem tổng quan ở đây.
Trong số này, bạn nên xem qua Provincial nominees (thường gọi là PNP). Đây là các chương trình định cư của tỉnh/bang. Mỗi tỉnh/bang có những tiêu chí riêng, cách nộp hồ sơ riêng. Nếu tự làm, bạn phải chịu khó đọc và theo dõi website của tỉnh.
Nếu thấy “mênh mông” quá, bạn có thể tới các trung tâm nghe tư vấn. Góp ý duy nhất của mình là, bạn phải kiểm chứng được cách làm hồ sơ mà trung tâm tư vấn cho bạn. Tất cả những chương trình di trú hợp pháp đều được CIC/tỉnh bang công khai thông tin trên website. Hãy cẩn thận trước những lời tư vấn mà bạn không thể kiểm chứng được để không mất tiền vô ích.
Điểm CRS và Profile
Mình có nhận vài tin nhắn hỏi về điểm CRS, xin chia sẻ luôn. Mình có thư mời vào tháng 2/2017, lúc đó mình 34 tuổi, có 2 bằng đại học, IELTS General CLB 9 (Nghe 8.5, Đọc 8.5, Nói 7.0, Viết 7.0), 3 năm kinh nghiệm làm việc ngoài Canada (NOC 2171), không biết tiếng Pháp, không đi học hay đi làm ở Canada, không có job offer, không có anh chị em ở Canada, điểm CRS là 441. Khi vào pool, mình không có hy vọng vì điểm cut-off rất cao. Một ngày đẹp trời, CIC hạ điểm và gửi thư mời, chắc là do số.
(Bổ sung tháng 2/2020) Gần đây điểm cut-off toàn trên 470. Nếu ở thời điểm này, mình sẽ nghiên cứu các cách khác: nâng IELTS lên CLB 10, nghiên cứu các chương trình tỉnh bang (ví dụ vô pool của tỉnh Saskatchewan chờ thời), cách cuối cùng là xin đi học post-grad hoặc master.
Cánh cửa hẹp vì mọi người đều giỏi, nhưng đất Canada vẫn còn rộng lắm, nếu kiên trì sẽ vẫn chen được một chân. Mình chúc bạn và gia đình mọi điều may mắn!
Tags: Canada Permanent Residence, PR, Federal Skilled Worker, FSW, Express Entry, EE, định cư Canada theo diện tay nghề cao, định cư Canada theo diện skilled worker, tìm hiểu về federal skilled worker, kinh nghiệm federal skilled worker
chao ban, ban co the chia se background va CRS score cua ban duoc khong? minh cung dang tu lam FSW EE nhung cung 1 background, diem minh tinh theo CIC thap hon so voi diem minh duoc tinh (free) tren canadavisa.com, nen minh hoi boi roi. Cam on ban
LikeLike
Hi Giang,
Mình đã gửi email cho bạn. Cheers.
LikeLike
Bạn ơi, bạn gửi mail cho mình với nhé: nhatletran1993@gmail.com
Mong sớm nhạn được hồi âm của bạn!
LikeLike
Hi anh, những chia sẻ của anh rất hữu ích. A có thể chia sẻ CRS score& profile qua email e với để e học hỏi nhé 🙂 tanghuynhyenphuong@gmail.com
Thanks a!
LikeLike
Hi Phương,
Đã gửi email cho em. Cheers.
LikeLike
Chào bạn,
Lần nữa cảm ơn vợ chồng bạn rất nhiều vì tấm lòng chia sẻ. Mình thấy như vợ chồng bạn có đề cập cả hai đều làm trong lãnh vực IT (Developer và BA). Nếu có thể mong bạn chia sẻ cho mình bảng điểm CRS để mình có thêm thông tin và động lực phấn đấu.
Cảm ơn bạn và chúc ngày tốt lành!
LikeLike
Mình đã có thông tin ở cuối bài viết rồi đấy bạn ạ.
LikeLike
Chào Bạn, cảm ơn bạn đã chia sẻ rất chi tiết , bạn vui lòng chia sẻ CRS score – profile giúp mình qua Email: mtvnguyenpham@gmail.com nhé. Cảm ơn nhiều
LikeLike
chào anh, anh có thể chia sẻ CRS Score và profile của anh qua mail cho em học hỏi với ạ. chồng em cũng business analyst ạ. kochi219@gmail.com. Cám ơn anh
LikeLike
Anh gửi giúp em thông tin tham khảo điểm và profile anh nha.
kochi219@gmail.com
LikeLike
Thấy nhiều bạn hỏi về CRS và profile quá nên mình đã thông tin ở cuối bài viết rồi các bạn ạ, hy vọng các bạn có thêm nhiêu động lực 🙂
LikeLike
em rất muốn qua Canada trong vòng 1 năm tới, đọc blog của anh mà thấy thật tâm huyết với mọi người. Em cảm ơn anh 1000 lần vì điều đó!
Hiện tại em tính sơ qua điểm CRS của mình, vào khoảng 407 điểm (IELTS ~ 7.5, 1 bằng ĐH CNTT, 2 năm kinh nghiệm trong ngành). Nếu có job offer là em được cộng 50 điểm, tức là 457 thì gần như khả năng nhận được PR là rất cao. Tuy nhiên, đó là thách thức lớn nhất với em anh ạ.
Em cũng làm trong ngành CNTT giống anh, em làm dev web (php). Em định chuẩn bị Resume qua linkedin và apply vào các công ty bên đó để xin offer. Tuy nhiên em băn khoăn điều này quá ạ:
– Nếu làm Resume qua linkedin và có nói rằng mình chưa có PR thì chưa biết công ty bên họ sẽ phản hồi sao. Em định trình bày thật là mình không nhờ họ bảo lãnh gì cả, và thuyết phục họ là nếu nhận được job offer thì mình chắc chắn sẽ qua làm với họ. Mà thời gian từ lúc có offer và nhận được PR nếu may mắn chắc cũng phải 4 – 6 tháng. Em băn khoăn quá. Anh có thông tin gì thêm anh share cùng em và mọi người với ạ.
Thật sự cảm ơn anh và mong 2 vợ chồng anh thât nhiều sức khoẻ, công tác tốt và nhanh nhập tịch Canada!
Mong phản hồi của anh!
LikeLike
Tất nhiên là mình nên nói thật, có gì nói đó thôi em ạ. Mà thật ra trước khi ký hợp đồng lúc nào người ta cũng đòi có đầy đủ giấy tờ, em không có PR, Work Permit hay những giấy tờ tương tự thì người ta cũng không dám ký hợp đồng.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng anh không có kinh nghiệm kiếm job Canada từ bên ngoài, cho nên anh cũng không dám tư vấn gì hơn.
Em có thể tự tìm hiểu được qua nhiều nguồn khác.
Ví dụ như bài viết này cũng cung cấp rất nhiều thông tin, câu giải đáp số 5 cũng chút ít nói về việc kiếm job bên ngoài: https://www.facebook.com/rain1708/posts/10154718112913160
P/S: Ngoài ra có một số ngành có thể đi theo diện FEDERAL SKILLED TRADES với yêu cầu số điểm và English skills rất thấp, nhưng bù lại phải có một số yêu cầu khác (tiếc là ngành IT không nằm trong list đó), hoặc là đi theo dạng tỉnh bang, mọi người hãy tìm hiểu thêm nhé.
LikeLike
Hôm nay em có vào đọc kỹ trên trang chủ Canada, họ có bảo khi đang vào pool có thể apply vào Job Bank anh ạ, mừng quá. Có hy vọng thêm rồi anh ơi
https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/services/immigrate-canada/express-entry/submit-profile/waiting-pool.html
LikeLike
Hi anh,
Cám ơn anh vì những thông tin cực kỳ hữu ích ạ. Em đăng ký thi ielts tháng sau. Đạt target thì mới bắt đầu làm hồ sơ
Em muốn hỏi anh chút về việc chứng minh tài chính. Anh cho em hỏi số dư từ các tk current và savings account trong 6 tháng là trước khi apply hồ sơ vào pool hay sau khi đã có invitation ạ? Ngoài ra, em đọc trong link trên CIC thấy ghi lấy sao kê tk current account và investment account trg 6 tháng chứ k thấy đề cập phần savings account nên hơi mơ hồ, k rõ savings thì tiền để trước bao lâu sẽ được chấp nhận để nhà em chuẩn bị tài chính dần ạ
Em cám ơn anh
LikeLike
Hi LITTLECHICKEN270688,
Anh đi làm chưa về nên chị trả lời theo kinh nghiệm cá nhân nhé 😛
(1) 6 tháng là tính từ lúc CIC yêu cầu mình upload giấy tờ, tức là đã có ITA rồi. Bây giờ chị cũng không nhớ là CIC quy định 6 tháng ở đâu, đọc lại không thấy, không biết là CIC cập nhật hay sao, nhưng nếu ok thì em cứ chuẩn bị ít nhất 6 tháng cho chắc.
(2) Savings account hoàn toàn được công nhận. Hồi đó chị có 2 account (1 savings, 1 current), gộp lại mới đủ mức CIC cần, chị nộp cả 2 statement.
Chị có ghi chú ở đây: https://tocanadajourney.com/2018/09/04/lam-proof-of-funds-pof/
LikeLike
bạn ơi làm ơn chia sẻ giúp cách tính điểm CRS, mình thấy phần work Arranged employment là 200d, Provincial or territorial nomination là 600d, như vậy thiếu 2 cái này thì chắc là dưới 400d rồi. email mình maiphuongthao1901@gmail.com. Cảm ơn nhiều
LikeLike
Hi Phương Thảo,
Cách tính điểm CRS có ghi rõ ở mục [1.3]. Bạn xem kỹ lại nhé (mở link trong bài).
Không hẳn thiếu work arrangement/PNP thì chắc chắn sẽ dưới 400 (tất nhiên có thì quá tốt). Bản thân mình không có 2 cái đó. Nhiều bạn bè mình đi diện này (và điểm cao hơn mình rất nhiều) cũng không có.
Quan trọng nhất là tuổi (càng trẻ càng tốt), bằng cấp (1 bằng thì phải rất trẻ, còn không thì phải cần master hoặc 2 bằng hoặc hơn), và tiếng Anh (càng cao càng tốt). Bạn cứ thử “play around” với cái tool CRS tính điểm là thấy được CIC tính điểm như thế nào.
Cheers.
Tiên
LikeLike
Dear a/c,
Cảm ơn a/c đã viết bài giải thích hết sức chi tiết.
Em cũng đang ôn IELTS để tăng điểm.
Nếu có thời gian, a/c có thể viết một bài chia sẽ cách a/c đã tìm và thuê nhà giúp được không ạ?
Do em đang có ý định làm hồ sơ cho cả gia đình 4 người (2 cháu nhỏ), và phần em lo lắng nhất là nhà cửa khi vừa landing.
Cảm ơn a/c,
Huong
LikeLike
Hi Hương,
Theo chị, nhà cửa không phải là thứ đáng lo nhất. Quan trọng nhất là tìm việc làm, có việc làm thì những thứ khác sẽ ok. Nhà, nhiều tiền sẵn thì mua, ít tiền thì thuê.
Tùy em ở tỉnh nào, khu nào, budget thế nào, trừ phi quá khó tính thì kiểu nào cũng sẽ tìm được hết. Mới qua thì thường mọi người ở airbnb rồi đi xem nhà thuê. Nhà thuê thì tìm trên mạng, ví dụ em có thể vô group FB https://www.facebook.com/groups/vietnameseHouseInCanada/, https://www.facebook.com/groups/HoiNguoiVietCanada/, https://www.facebook.com/groups/506890139330293/ để xem & đăng tin. Ngoài ra còn nhiều website khác như http://www.kjiji.ca/, https://www.realtor.ca/mls, v.v..
Anh chị thì rất hên là được một bạn đang ở đây nhượng lại chỗ bạn đang thuê khi bạn mua nhà.
Nói chung vụ chỗ ở có khi hên xui là chính, khi em gần bay qua hẵng tính, có thể sẽ lộn xộn một thời gian nhưng đó cũng là chuyện thường, take it easy chứ lo xa quá cũng không được gì.
All the best nhé.
LikeLike
Hi Chị,
Cảm ơn chị đã chia sẽ.
Chắc phải tạm gác lại lo lắng đó, tập trung ôn thi ielts và làm hồ sơ trước.
Chúc a.c nhiều sức khỏe và thành công.
Huong
LikeLike
Hi Anh,
Rất cám ơn anh về những chia sẻ của anh. Em đọc thấy rất có động lực.
E có ước tính điểm CRS của mình khoảng 407. Hiện đi làm được gần 2 năm. E định học thêm một bằng đại học trực tuyến để tăng thêm điểm. E có thắc mắc là e có cần phải học ngành nào mà nhân lực đang thiếu ở Canada không và bằng đại học trực tuyến có giá trị như bằng đại học truyền thống không ạ?
Rất mong nhận được phản hồi của a.
Chúc a và gia đình nhiều sức khỏe và thành công
Thi
LikeLike
Hi Thi,
Anh chị không phải người có chuyên môn về di trú hay chuyên làm tư vấn, nên mọi câu trả lời chỉ dựa trên kinh nghiệm ít ỏi của bản thân thôi nhé.
(1) Bằng đại học trực tuyến có giá trị như bằng đại học truyền thống không –> Tùy trường, tùy chương trình, v.v.., chỗ chắc ăn nhất để trả lời câu này là cơ quan làm ECA được CIC chỉ định vì rốt cục mình gửi bằng cấp cho họ và họ là người quyết định. Ngay cả “đại học truyền thống” thì cũng tùy trường chứ chưa chắc 100% mọi bằng ĐH ở VN hay ở nước khác đều sẽ được công nhận là tương đương bằng ĐH Canada. Em có thể liên lạc mấy chỗ làm ECA, hỏi thử chương trình mà em muốn học xem họ có trả lời là họ công nhận bằng cấp ở đó không.
(2) Học ngành nào nhân lực đang thiếu ở Canada –> Chà, câu hỏi này không có câu trả lời đâu, ngành nào cũng cần người làm được việc. Theo chị thấy, nhìn chung đối với dân nhập cư, các ngành kỹ thuật (vd: IT) dễ xin việc hơn, nhưng không có nghĩa ngành khác không xin được. Một số ngành như y tá, điều dưỡng, chăm sóc người già v.v.. cũng dễ xin việc, nhưng em có thích và theo được không? Em cứ học ngành em thích và theo được thôi, không xài cho Canada PR thì cũng còn xài cho nhiều mục đích khác, cả đời chứ hen.
P/S: Mà sao em không xem thử học lên master vì thời gian có thể ngắn hơn học 1 bằng DH khác, nhìn chung có giá trị hơn, và điểm CRS cũng cao hơn?
All the best nhé.
LikeLike
bài viết rất hữu ích. Chân thành cám ơn bạn đã chia sẻ!
LikeLike
Hi anh/ chị. Cho em hỏi là em là nghề Customer Support Associate có nằm trong danh sách NOC không ạ? Tại em không tìm thấy nhóm ngành phù hợp hic hic. Em cảm ơn ạ.
LikeLike
Hi,
Đây là ý kiến cá nhân của chị, có thể chưa chính xác, em chỉ xem cho biết chứ phải tìm hiểu thêm hoặc hỏi người chuyên làm về di trú nhé.
Tùy em làm Customer Support trong lĩnh vực nào. Để nộp FSW EE thì NOC phải thuộc Level 0, A, hoặc B.
Ví dụ Customer Support chung chung (làm ở call center, quầy thông tin v.v..) thì có NOC 6551, 6552 nhưng 2 cái này thuộc Level C không nộp FSW được. Nếu em support về technical thì có 2282 thuộc Level B có thể nộp FSW được.
Nói chung cứ vô CIC đọc & search: https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/services/immigrate-canada/express-entry/eligibility/find-national-occupation-code.html
LikeLike
Em chào hai anh chị, lời đầu tiên, em cảm ơn hai anh chị đã rất tử tế khi share bài đầy đủ thông tin, từ bước đầu apply Express Entry đến quá trình sang Canada và hòa nhập cuộc sống mới, em chắc rằng thông tin trên blog của hai anh chị đã giúp ích được cho rất nhiều người cùng chung chí hướng. Chồng em (30 tuổi) và em (28 tuổi) cũng đang trong giai đoạn cuối của việc chờ đợi kết quả, ngày 10 Dec 2018, vc em có gọi CIC và biết được status hồ sơ là Eligibility: met; Medical: passed; Criminality: passed; còn Security thì chưa started. Hồ sơ của tụi em chuyển sang IP2 vào ngày 21 Nov (AOR 3Aug)
Em có một thắc mắc như sau, em nghĩ là anh chị có kinh nghiệm, có thể trả lời giúp em để em hiểu hơn về tình hình issue PPR. Hiện tại, trên forum canadavisa có rất nhiều bạn share rằng khi gọi lên CIC, các bạn biết được rằng application đã được approved rồi, tuy nhiên có bạn chờ cả tháng vẫn không thấy email PPR. Và vì lý do này, 1 số bạn share personal speculations rằng năm nay quota đã hết cho việc issue PPR, nên thành ra applications bị hold lại, pending đến năm sau. Em thì chưa tìm thấy thông tin này ở đâu trên website của CIC.
Em có tình cờ thấy post của hai anh chị trên forum liên quan đến việc hồ sơ đã được approved rồi nhưng chưa có PPR email, em hi vọng hai anh chị có thể cho em biết thông tin rõ hơn một chút về vấn đề này được không ạ? Vì thật sự chờ đợi không bao giờ là hạnh phúc cho trường hợp này 🙂 tụi em cũng có kế hoạch sang Canada đi học tiếp nên cũng khá nôn nóng để còn sắp xếp việc gia đình và công việc hiện tại của cả hai.
À, em xin được nói thêm 1 tí về bản thân vợ chồng em, ngày xưa tụi em đều tốt nghiệp SMU, có vẻ như anh chị cũng có một thời gian dài ở Singapore phải không ạ? =D
Em chúc anh chị và em bé luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và công việc cũng như cuộc sống thuận lợi ở Canada nhé!
Nice day anh chị!
LikeLike
Hi Hannah,
Chị hoàn toàn không biết CIC issue PPR như thế nào. Trên forum nói là có khi họ issue theo batch nhưng phải vậy hay không chắc chỉ CIC biết.
Hồi đó chị nghe hồ sơ được “approved”, chờ 3 tuần không thấy PPR, chị gửi mail tới CPC-CTD-Ottawa@cic.gc.ca (hồ sơ chị nằm ở Ottawa), gửi hú họa thôi thì CIC trả lời là “Please note that your application was approved and a Ready for Visa letter will be sent shortly. Please check your inbox and spam folder and notify our office if you have not received this letter.”, rồi ngày hôm sau thấy PPR trong mail (!), không biết có phải tại mình gửi mail hay theo lịch thì PPR sẽ tới ngày đó nữa.
Em ráng chờ thêm. Nếu quota năm nay hết, năm sau CIC làm tiếp thì cũng đừng nản vì bây giờ hết năm rồi còn đâu, còn có gần 2 tuần mà Xmas time nữa, chắc ít người làm việc lắm.
Hang on nhé, đừng stress quá, chúc em sớm có tin vui!
p/s: chị học ở NUS đây 🙂
LikeLike
Hi anh chị,
Vậy là sau 7 tháng rưỡi chờ đợi với nhiều cảm xúc và căng thẳng, cuối cùng application của tụi em đã được approved! Thứ 2 tuần này tụi em log in vào account và thấy message là profile updated, khi mở ra xem thì không có gì thay đổi – em tin cái này là ghost update thần thánh mà mọi người thường hay nói tới và cũng trông đợi! Tụi em chờ nguyên ngày thứ 3 không thấy Ready for Visa email, tới tối tụi em gọi qua CIC và được agent confirmed là hồ sơ đã được approved. Tới sáng nay Ottawa cũng email thông báo cùng thông tin như vậy. Tụi em muốn gửi lời cảm ơn anh chị vì những nỗ lực chia sẻ thông tin rất tuyệt vời! Tụi em chúc anh chị luôn hạnh phúc và bình an! Mong là sẽ có duyên gặp anh chị ở Toronto!
With love and appreciation,
Hannah.
LikeLiked by 1 person
Chúc mừng em! Oai vui quá. Đi ăn mừng hoành tráng nhé. Qua rồi có gì mình hẹn gặp. All the best nha!
LikeLike
Chị ơi, em tốt nghiệp đại học ngành điện tử viễn thông, nhưng em lại đi làm mộc. Như vậy bằng đại học em có được tính điểm không. Em cám ơn chị.
LikeLike
Hi Thao Nguyen,
Cái này chắc em nên tìm chỗ nào chuyên tư vấn, chị không rành nên không dám nói.
Em có theo khóa học làm mộc nào không. Nếu em chọn NOC 7271 – Carpenters thì chị thấy CIC yêu cầu là phải qua đào tạo về nghề mộc (có chứng chỉ học nghề chương trình 3-4 năm hoặc đã có hơn 4 năm kinh nghiệm & có chứng chỉ đào tạo nào đó).
http://www23.statcan.gc.ca/imdb/p3VD.pl?CLV=4&CPV=7271&CST=01012011&CVD=122376&Function=getVD&MLV=4&TVD=122372
LikeLike
Em cảm ơn anh/chị đã chia sẻ rất chi tiết về quá trình.
Em có một câu hỏi, mong anh/chị giải đáp giúp em.
Trong bài có đoạn:
Khi đến, bạn sẽ làm thủ tục đáp với nhân viên hải quan tại quầy. Họ sẽ hỏi một số câu như bạn ở đâu ….
Thẻ PR sẽ được gửi về địa chỉ bạn khai báo, thường sau 2-3 tháng.
Vậy nếu như em chưa có địa chỉ tại canada thì khi này hải quan có bắt buộc phải ghi một địa chỉ nào đó không ạ? Vì em nghĩ là chưa tới canada thì sao thuê được nhà trước mà lấy địa chỉ để khai với hải quan anh/chị nhỉ?
LikeLike
Hi ManhDV,
Theo chị biết lúc đáp bắt buộc mình phải khai địa chỉ. Em có thể khai địa chỉ nhà trọ tạm thời, hoặc chị thấy phổ biến hơn là nhờ địa chỉ của bạn bè, thẻ PR gửi về nhà bạn rồi mình đến lấy.
LikeLike
Chào anh chị, thực sự rất cảm ơn anh và chị đã bỏ công sức thời gian viết tất cả những thông tin và kinh nghiệm quý giá này. Vợ chồng em cũng đang nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ dần cho năm nay ạ. Hy vọng sẽ được may mắn ^^
Nhân đây em có vài câu hỏi (cầu mong anh chị vẫn đọc được và trả lời ạ 😂😂)
– phí apply hồ sơ cho CIC em thấy có mục without / with right of permanent residence fee => em chưa hiểu lắm khác biệt giữa việc có và không có nộp khoản này? Nếu ko nộp thì hồ sơ có bất lợi gì ko ạ?
– lúc nộp phí online, nếu cả vợ chồng cùng đi thì phải thực hiện thanh toán 2 lần hay 1 lần ạ?
– về vấn đề chọn thành phố nơi mình muốn đến định cư: em chưa thấy được nhắc đến trong bài viết. Anh chị có thể chia sẻ thêm được không ạ? (Mình được tự chọn hay thế nào, bước này nằm ở đâu trong process và ảnh hưởng ra sao…)
Em cám ơn anh chị rất rất nhiều ❤️
LikeLike
Hi Lala,
Chị trả lời theo kinh nghiệm của chị.
– “Processing Fee” phải nộp ngay từ đầu để CIC xét hồ sơ, “Right of Permanent Residence Fee” có thể nộp sau. Nếu không nộp cái RPPF ngay từ đầu thì CIC vẫn xét, nếu duyệt PR thì họ sẽ gửi thư yêu cầu mình nộp. Ngoài chuyện hồ sơ có thể bị chậm (về mặt thời gian) vì họ phải gửi thư, mình đi nộp v.v.. thì theo chị biết không có bất lợi gì, tuy nhiên nếu được thì cứ nộp 2 cái từ đầu cho rồi.
– Vợ chồng đi chung chắc là nộp $ cùng lúc đó, cái này chị không rõ vì hồ sơ của chị hơi khác, chị nộp 2 lần khác nhau.
– Vụ chọn nơi đến thì theo chị biết, nếu có PR dạng FSW này đi đâu cũng được (trừ Quebec). Chọn thành phố nào thì…tùy hỉ, tụi chị cũng đi đại thôi, chưa biết gì nhiều để chia sẻ. Tụi chị chưa có bằng lái, ít tiền nên muốn tới chỗ nào phương tiện công cộng tốt, nhiều job, thời tiết không quá khắc nghiệt, tỷ lệ tội phạm không quá cao :d… cuối cùng chọn Toronto, ở một năm rồi thấy khá ok, chưa có ý định đi đâu khác.
LikeLike
Chị Khoai mì ơi, em rất rất cám ơn những câu trả lời rất cụ thể của chị ạ ❤
Chị cho em hỏi thêm nữa là, các documents cần nộp (ví dụ khai sinh, học bạ cấp 3, hộ khẩu….), nếu em đã có sẵn bản dịch sang tiếng Pháp và công chứng rồi, thì có cần thiết phải dịch lại và công chứng tiếng Anh không ạ? Tương tự khi làm ECA với WES, tất cả bằng và bảng điểm của em sẽ là tiếng Pháp thì có cần dịch tiếng Anh không chị?
Em đã search thử cả trên web canada.ca thì thấy đa số các thủ tục nhập cư mà cần đến translation chỉ yêu cầu khi documents ko phải là tiếng Anh hoặc Pháp (nhưng em ko thấy nhắc đến trong thủ tục FSW, tìm mãi không thấy thông tin liên quan), và search trên web của WES thì họ bảo tất cả documents ko được issued bằng tiếng Anh thì đều phải dịch, nhưng ở dưới lại ghi chú là các tài liệu dịch phải chính xác từ bản gốc sang tiếng Anh hoặc Pháp tương ứng….
Chị có thể confirm giúp em vụ này được không ạ, em cám ơn chị nhiều!!!
LikeLike
Hi Lala,
Sorry em chị không biết gì về vụ giấy tờ tiếng Pháp cả. Em hỏi thử trên forum https://www.canadavisa.com/canada-immigration-discussion-board/ hoặc các group FB có nhiều người thì chắc có người đã làm. All the best nhe, hehe.
LikeLike
Hi chị,
Thanks chị vì đã chia sẻ, cho em hỏi khi đi khám sức khỏe thì có cần lưu ý gì không ạ? Chồng em có hút thuốc lá và uống rượu bia nhiều không biết chụp lên có vấn đề gì không ạ? Họ kiểm tra sức khỏe những mục nào ạ? THanks chị.
LikeLike
Hi Baoanh,
Em coi thêm ở đây: https://www.canadavisa.com/canada-immigration-discussion-board/threads/medical-examination-made-easy.133692/
Chồng em có hút thuốc lá và uống rượu bia nhiều không biết chụp lên có vấn đề gì không ạ? –> Em hỏi vậy ai không ai trả lời được đâu, hic. Nếu em lo thì đi chụp x-quang trước ở ngoài xem bác sĩ nói kết quả thế nào. Đi khám cho CIC thì họ sẽ gửi kết quả cho CIC, không có nói kết quả cho mình biết.
All the best nhe.
LikeLike
Hi chị,
Cám ơn chị vì những chia sẻ cụ thể và bổ ích. Chị có thể cho em hỏi đối với những bằng cao đẳng không có seal / stamp mà trường chỉ issue 1 tờ giấy transcript, thì em có thể chỉ scan để nộp ECA được không ạ? Bằng đại học của em thì có thể gửi seal/stamp trực tiếp nhưng bằng cao đẳng thì chỉ là 1 tờ giấy ghi bảng điểm, ngày hoàn thành, trường bên Úc thôi ạ
LikeLike
Hi Triều Phan,
ECA chị chỉ làm có 1 lần cho bằng của chị, kinh nghiệm chỉ có thế, không biết nhiều hơn. Từng bước chị có ghi lại ở đây: https://tocanadajourney.com/2018/08/24/kinh-nghiem-lam-eca-voi-wes-dang-viet/
Những agency khác thì chị không biết chứ WES thì họ yêu cầu: bằng (degree) thì em photo và gửi nhưng bảng điểm (transcript) thì phải có xác nhận của trường (bì thư của trường, có chữ ký, con dấu v.v..). Chắc là em không scan và gửi được mà phải liên hệ trường thôi.
LikeLike
Bài post rất hữu ích. Case của mình thế này nha: CRS là 447 (tháng 4/2019). Mình định nộp luôn để chờ thời. Tuy nhiên khi tạo hồ sơ thì lại bị chặn lại cái này “Personal Reference Code”. Click vào thì họ dẫn mình đi qua mấy câu hỏi khảo sát. Nhóm nghề NOC của mình là 0. Tuy nhiên kinh nghiệm của mình lại là 4 năm nhưng ở….3 công ty khác nhau.
Trong khi phần nghề nghiệp lại ghi là “….how many years of skilled experience do you have? It must have been continuous, paid, full-time, and in ONLY one occupation.
Nếu xét 1 công ty thì mình chưa đủ 2 năm 😦
Mình hiểu như vậy thì đúng không bạn? Nhờ bạn chia sẻ giúp nha
LikeLike
Hi Kiệt,
Mình trả lời theo hiểu biết của mình, có thể sai.
Nếu bạn là nhân viên chính thức (công ty ký dài hạn, có trả lương chứ không phải thực tập không lương), bạn đi làm sau đó tự xin nghỉ qua công ty khác thì khi tính kinh nghiệm sẽ được cộng thời gian giữa các công ty. Ví dụ làm công ty A 1 năm rưỡi, công ty B 1 năm rưỡi, thì được tính là có 3 năm kinh nghiệm, tất nhiên công việc ở 2 công ty phải tương tự (cùng NOC).
LikeLike
Cảm ơn vc bạn nhiều vì bài post rất hữu ích!
M đã nhận được ITA từ cuối tháng 2, nhưng do m đi công tác và bận mà mãi tận hôm rồi mới đi làm police check được, và m sẽ nhận được kết quả police check muộn hơn deadline tầm 5-6 ngày. M thấy họ rất nghiêm vụ deadline. M có tìm hiểu forum tiếng Anh thì có lời khuyên (cho ng khác tình trạng tương tự) là gửi biên lai/ giấy hẹn gì đấy, chứng minh là do police chậm trễ nên tôi xin được upload chậm hơn. Tuy nhiên ở đây lỗi hoàn toàn là do phía mình, ko phải do bên sở tư pháp, nên cũng chả có lí do gì mà giải trình. M đang định cancel ITA, để họ cho m vào pool lại, rồi hi vọng sẽ nhận được ITA để nộp lại. Về cơ bản không ai biết điểm cut-off score lần tới sẽ thế nào, nhưng m có để ý từ suốt năm ngoái đến năm nay điểm tầm 152-154 là max thì phải. Điểm của vc m là 262. Hi vọng là vẫn có cơ hội ITA cao.
Ngoài ra ngành của vc m cũng rất là khoai: ngành TESOL (giảng dạy TA). M có tìm hiểu thì thấy cơ hội ở bển là rất ít. Bạn có biết gì về cơ hội các ngành khác ngoài ngành của vc bạn không?
Cảm ơn bạn rất nhiều!
LikeLike
Hi,
Bạn làm police check ở VN hay ở đâu, ở nhà mình thấy hay có mấy “dịch vụ làm nhanh”… Job cho TESOL mình không rành nhưng chắc là ít cơ hội hơn, ở đây mình thấy ai làm IT/banking/finance/audit là “có vẻ” dễ xin việc nhất, còn lại hên xui…
LikeLike
Em chào Chị,
Em cảm ơn Anh Chị rất nhiều vì đã tạo ra một trang thông tin rất bổ ích cho những người tự tìm hiểu về EE như em.
Em muốn xin ý kiến của Chị về trường hợp của em. Em có bằng ĐH và Thạc sĩ, cả 2 đều về ngành Tài Chính và lấy tại trường ở Việt Nam. Tuy nhiên kinh nghiệm làm việc của em là ngành Kế Toán (NOC B 1111). Chị cho em hỏi là việc bằng cấp và kinh nghiệm không cùng ngành như vậy có ảnh hưởng đến hồ sơ EE không ạ?
Em cảm ơn Anh Chị nhiều ạ!
LikeLike
Hi em,
Chị dốt về lĩnh vực này nhưng theo chị có bằng finance đi làm accounting vẫn hợp lý, không có vấn đề gì khi nộp EE. Em cứ đi hỏi thăm thêm nhiều nơi (như mấy group facebook về express entry) xem sao nhé.
LikeLike
Hi chị,
Vợ chồng em rất muốn đi Canada sinh sống làm việc. Tuy nhiên điểm CSR chỉ được 399 điểm, profile hai vợ chồng em: 26 tuổi, em bằng DH, vợ Thạc sỹ kinh nghiệm làm việc 1-2 năm. Bọn em rất muốn đi Canada nên nhờ chị tư vấn xem có cách nào nâng được điểm CSR lên tầm trên 445 được không ạ? Cảm ơn chị nhiều
LikeLike
IELTS 8777 thì sẽ tăng CRS nhé ac. Gluck ac ah!
LikeLike
IELTS 8777 nhé. Gluck hai bạn ah!
LikeLike
Hi Jason,
Chị mà biết cách tăng điểm CRS (một cách dễ dàng) chắc giàu to rồi…Chị cũng chỉ biết coi cách CIC tính điểm và xem có thể tăng điểm ở mục nào thôi. Vợ chồng em còn trẻ là lợi thế rất lớn. Trước mắt em và vợ tăng điểm IELTS, vợ làm đủ 3 năm, nếu vẫn chưa đủ thì tìm đường khác như các chương trình tỉnh bang, hoặc cách cuối cùng là 1 người đi du học, 1 người đi theo đi làm. Nãy chị tính thử nếu vợ em đứng hồ sơ, 26 tuổi, master, 2 vợ chồng đều IELTS 8777, thì điểm lên tới 470, thừa luôn rồi. Cố gắng phần IELTS nha. All the best.
LikeLiked by 1 person
Hello anh chị Tiên. Em theo dõi blog từ năm ngoái, và rất khâm phục hai anh chị, nhưng ko dám nói gì mặc dù muốn hỏi nhìu lắm hihi.. Hôm nay mạnh dạn post reply.
Bài viết rất chi tiết luôn! Em đã recommend blog này cho nhiều ng để làm hồ sơ FSW. Nhưng có lẽ mọi người vẫn còn khá đắn đo, agent thì cứ advise du học.. Bản thân em cũng rất sợ trước khi quyết định apply cái nào, du học hay FSW. May mắn là thi IELTS Academic và General điểm tốt nên em apply FSW luôn. AC cho em hỏi trong lúc chờ đợi ac làm gì ah? Progress bar báo còn 54 ngày là hết 6 tháng, nhưng em sốt ruột quá huhu.. Từ lúc submit là em mất ăn mất ngủ, hồi hộp theo từng steps của hồ sơ.. 😦
Cảm ơn AC đã đọc bài huyên thuyên của em. Mong AC hồi âm.
LikeLike
Hi Millie,
Chờ đợi đúng là đau khổ ghê lắm, hồi đó chị ngày nào cũng check status xong tự kỷ, nhưng không có cách nào khiến CIC làm nhanh hơn đâu, hên xui cả thôi. Em có thể vô forum coi nhóm nào nộp cùng thời điểm với mình, vô “ngó nghiêng” xem bà con đang ở bước nào. Hoặc em order GCMS để coi chi tiết hồ sơ mình, hồi đó chị order tới 2 lần. Chị tính viết 1 bài nhỏ về GCMS mà chưa có thời gian. Ngoài ra có khi nên “giải tỏa tâm lý” bằng cách đi du lịch hay coi phim bộ. Tin vui chắc chắn sẽ đến thôi, ráng nhé ^_^.
LikeLiked by 1 person
OMG Thanks chị. Chính xác là những thứ em đã, đang, và chuẩn bị làm. Em từ ngày nào cũng xem, thành 1 tuần xem 1 lần đấy ah. Nhưng vẫn depressed lắm T_T
– Trong forum có nhóm AOR Dec 2018 sôi động lắm ah. Có người đã order GCMS và thấy là chưa có cái gì started cả.. Nghe xong cũng nản luôn. Có người còn đòi lấy lại tiền fee.
– Tuần này vài người bạn và em sẽ order GCMS luôn. Lại đợi thêm 35 ngày.. Hy vọng là họ thực sự đang xử lý hồ sơ của mình, chứ đừng xếp xó…
– Rất rất mong bài chia sẻ GCMS của AC!
LikeLike
Chào anh chị,
Anh chị cho em hỏi là em học ngành Industrial Engineering nhưng em lại làm về sale engineering. Ngành học của em hơi khác với kinh nghiệm làm việc nhưng lại cùng về kỹ thuật, không biêt em có đủ điều kiện để nộp vô chương trình không?
Em xin cám ơn
LikeLike
Hi Bảo,
Theo chị biết thì ngành học và việc làm không nhất thiết phải khớp với nhau, em nộp được. Em hỏi thêm trên forum hoặc nguồn khác cho chắc nhé.
LikeLiked by 1 person
Ngành học và việc có thể khác nhau nhưng việc làm bắt buộc phải có trong list NOC ah.
LikeLike
Cảm ơn bạn nhiều vì bài post cực kỳ bổ ích!
Mình có 1 chút thắc mắc hy vọng bạn có thể giải đáp như sau:
Sau khi có PR từ Canada, mình có bắt buộc phải sang Canada sinh sống trong vòng bao lâu hay không? Hay có thể quay lại VN hoặc sang các nước khác làm việc?
LikeLike
(Sorry anh chị Tiên em hơi nhiều chuyện, mong ac bỏ qua hihi)
Sau khi có PR Card thì có thể đi đi về về VN hoặc nước khác (nếu có thể) tuỳ ý. Nhưng nếu đi quá lâu (trên 6 tháng), họ sẽ gửi giấy nhắc nhở (cũng đúng thôi, họ cho bạn PR là để bạn cống hiến cho nước họ mà), và việc này làm cho hồ sơ của bạn có vết, ko perfect nữa, sau này xin quốc tịch sẽ lâu hơn và khó khăn hơn. Đây là chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế của 1 anh bạn khác của mình. Gluck b!
LikeLike
Chị ơi cho em hỏi về thời gian trên visa với ạ. Nếu hồ sơ được xử lý xong trong vòng 8 tháng, visa thì tính từ ngày khám sức khỏe thì mình có khoảng 4,5 tháng để chuẩn bị sang bên đó thôi đúng không ạ?
LikeLike
Theo chị biết, em cần đáp ở Canada trước expiry date có in rõ trên COPR (thường là 1 năm sau medical check). Nếu chưa thu xếp qua luôn được thì mọi người làm “soft landing”, tức là qua để activate PR rồi đi về, khi thu xếp xong thì quay lại Canada.
LikeLike
Vâng em cảm ơn chị. Visa hạn 1 năm sau ngày khám sức khỏe em biết rồi ạ. Em muốn ước chừng lúc mình nhận lại visa thì còn khoảng bao nhiêu tháng để sang bên đó ấy chị.
LikeLike
Ví dụ như mình apply hồ sơ (khám sức khỏe làm ở bước này đúng không ạ?), sau đó hồ sơ được xử lý trong vòng 6 tháng. Vậy đến lúc mình nhận lại visa thì visa chỉ còn hạn 6 tháng hả chị?
LikeLike
Hi em, nhiều khả năng là vậy.
LikeLike
Bài viết rất hay và chi tiết. Lâu lâu mình lại vào lại để đọc lại cho ngấm 😀 Cho mình hỏi lúc bạn nhận đc thư mời, khi đó điểm cut-off của các vòng trc là bao nhiêu? Tại trong năm nay điểm cao quá, toàn trên 460, mà mình tính mới đc có 438 (do 35t bị trừ nhiều điểm quá) nên ko bít liệu có xuống nổi ko. Nhìn số lượng profile tầm điểm của mình xếp hàng mấy chục ngàn nản luôn.
Cho mình hỏi thêm nữa là hiện tại bxa mình chưa thi đc IELTS và đang gặp trục trặc với bên WES, liệu mình có nên mở profile để giữ chỗ mà ko include spouse xong sau này add thêm vào có đc ko? Thanks bạn.
LikeLike
Hi,
Mình không biết bạn định “ko include spouse” là như thế nào?
Theo mình biết, nếu spouse có điểm IELTS cao và bằng cấp tốt sẽ làm điểm cả hai tăng, nếu không tốt lắm thì điểm cả hai giảm. Vì thế có bạn “để vợ/chồng ở lại”, declare “married but not accompanying”, một người qua Canada trước, rồi từ từ bảo lãnh người còn lại. Chuyện này mình cũng chỉ đọc trên forum, không biết thực hư thế nào, chắc là vẫn làm được nhưng “hành trình” mỗi người mỗi khác, việc phải trình bày cho CIC lý do vợ/chồng không đi chung cũng chưa chắc đã dễ dàng.
Nếu hai người đi chung, lúc mở hồ sơ bạn đừng ghi bằng cấp/điểm Anh văn của vợ, cứ tạo account vào pool, khi nào vợ có kết quả IELTS/WES thì update hồ sơ, CIC vẫn cho update.
Còn nếu bạn khai “single” luôn, coi như chưa có vợ thì chắc chắn là không được, như vậy phạm lỗi misrepresentation, hồ sơ sẽ bị cấm nhập cảnh 5 năm và có thể nhiều hệ lụy khác.
Lúc mình vào pool, cut-off >450 thì phải. Theo mình 438 là cao, cứ vào pool. Không biết bạn làm ngành nào, nhưng những ngành như IT thì thỉnh thoảng họ lại gửi thư mời riêng và lấy điểm cỡ 400. Ngoài FSW, bạn tìm hiểu các chương trình tỉnh bang thử, đặc biệt là Saskaschewan.
All the best nha.
LikeLike
Chào KhoaiMi, mình vừa mới đọc được bài chia sẻ của bạn và biết ơn bạn về điều đó, việc làm của bạn thật ý nghĩa mà không phải ai cũng làm được. Vợ chồng mình đang rất quan tâm đến vấn đề trên nhưng vẫn còn hoang mang quá, bạn có thể giúp mình được không? Chuyện là chồng mình có nhờ bên công ty tư vấn để hỗ trợ mình trong việc xin visa FSW, chồng mình không có bằng đại học, chỉ có bằng nghề 3/7 chuyên ngành máy tính học hệ 2 năm chính quy. Từ lúc tốt nghiệp đến giờ là làm việc được 12 năm cùng lĩnh vực công nghệ thông tin và có thể lấy IELST 7.0. Trong quá trình làm việc thì chồng mình chỉ học thêm 1 số tín chỉ như MCSA,MCSE và tự trao dồi kiến thức chứ không có bằng cấp cao hơn. Mình có gửi CV quá trình làm việc cho bên tư vấn tham khảo và họ bảo là mình có khả năng đạt 67 điểm nếu chồng mình có IELTS 7.5 và vợ là IELST 5.0 cho 4 kỹ năng (theo bên tư vấn nói là điểm đang xét FSW là 65). Họ khuyên mình nên đăng ký vào pool. Hiện tại chồng mình mới thi học đại học lại học được 1 năm( còn khoảng 3 năm nữa mới ra trường). Mình hoang mang quá vì thấy điều kiện mà mình đang có quá thấp. Theo mình biết sau khi nộp đơn thì sau 6 tháng mình phải hoàn thành bằng cấp và IELTS. Bản thân mình không đủ tự tin để lấy IELST 5.0 vì hơn 10 năm rồi mình không sử dụng tiếng anh ( mình là nội trợ và giờ bận chăm con nhỏ ở nhà nên việc đi học lại để thi IELTS cũng hơi khó). Theo bạn thì mình có nên ngừng việc nộp hồ và chờ đến khi chồng mình có bằng đại học rồi mới nộp hồ sơ không? ( nếu đợi đến lúc có bằng đại học thì chồng mình đã 40 tuổi rồi, có lẽ quá lớn để nộp đơn hả bạn? )Bằng IELS là bắt buộc 2 vợ chồng phải có hay chỉ cần 1 mình người đứng đơn xin FSW là được. Còn nếu bắt buộc phải có IELTS thì mức thấp nhất mà bên CIC có thể chấp nhận được là bao nhiêu vậy bạn? Mình hơi lo sợ và thấy không đủ tự tin nhưng lại không muốn bỏ lỡ cơ hội. Bạn có thể cho mình lời khuyên về việc tìm kiếm cơ hội nộp đươc FSW. Mình xin chân thành cảm ơn bạn và hi vọng sẽ nhận được mail hồi âm của bạn. Sự hồi âm của bạn là 1 động lực rất lớn để giúp mình vượt qua khó khăn này. Xin chân thành cảm ơn bạn. Địa chỉ mail của mình: loanmtk@gmail.com
LikeLike
Hi Loan,
Mình chia sẻ với bạn theo những gì mình biết.
Thứ nhất, mọi chi tiết về FSW đều được CIC ghi rõ trên website. Bạn chịu khó xem trên đó, hoặc nói công ty tư vấn chỉ. Nếu tính đường FSW, bạn cần tính 2 loại điểm: điểm vào pool, và điểm CRS.
-Điểm vào pool: quy định hiện nay cần đạt 67 điểm. Cách tính điểm phần này coi ở đây: https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/services/immigrate-canada/express-entry/eligibility/federal-skilled-workers/six-selection-factors-federal-skilled-workers.html
-Khi đã đủ điểm vào pool, bạn tính điểm CRS: cách tính coi ở đây: http://www.cic.gc.ca/english/immigrate/skilled/crs-tool.asp. Đây là điểm để nhận thư mời. Hiện nay điểm này lên rất cao (470+)
Bạn xem cả 2 loại điểm được bao nhiêu rồi tính tiếp.
– Người đứng đơn bắt buộc phải nộp chứng chỉ tiếng Anh/Pháp, còn lại vợ/chồng đi theo thì tùy. Nếu điểm tiếng Anh bạn tốt, hồ sơ cả hai sẽ được cộng điểm, còn không (không thi hoặc điểm không cao lắm) thì điểm cả hai sẽ ít hơn.
– Mình chưa từng nghe chuyện là phải hoàn thành thi IELTS và bằng cấp khác trong 6 tháng “sau khi nộp đơn”. Bạn nói bên tư vấn chỉ ra cái link CIC nói như vậy không?
Ở đây có thể nhập nhằng chữ “nộp đơn”. Theo mình biết, bạn tạo account trên CIC, điền thông tin, sau đó submit vào pool. Với mình thì submit vào pool rồi mới tính là nộp đơn vì lúc đó hồ sơ bạn mới được coi là “active”, CIC sẽ gửi thư mời nếu đủ điểm CRS, chứ còn chỉ dừng lại ở việc tạo account, không vào pool gì hết thì cũng như không.
Muốn nộp hồ sơ vào pool thì trong tay bạn phải có bằng cấp rồi, thi IELTS rồi, làm ECA rồi chứ không thể trình bày với CIC là ‘tôi sẽ thi, sẽ học’ vì lúc tạo account bạn sẽ phải điền thông tin về điểm IELTS, ECA#. Cũng nói rõ, CIC cho cập nhật hồ sơ, ví dụ hiện nay IELTS bạn được 7.0, bạn mở hồ sơ vào pool, sau đó bạn thi lại được 7.5 thì bạn hoàn toàn có thể vào cập nhật để tăng điểm.
– Ba năm sau, không ai biết CIC sẽ quy định như thế nào nên chắc không ai dám nói, tuy nhiên càng lớn tuổi thì điểm trừ càng nhiều nên đúng là tính càng sớm càng tốt.
Nhìn chung, mình chỉ biết nói bạn hãy bình tĩnh xem xét các lựa chọn, đừng để bị hối trong khi chưa biết khả năng được nhận PR là bao nhiêu. Nếu điểm cut-off không xuống mà ở mức hiện nay (470+), mình thấy gia đình bạn khó nhận được thư mời theo chương trình FSW. Mình mà nộp bây giờ cũng thua, không có cách nào được.
Thay vì chỉ nhìn vào FSW, bạn thử tìm hiểu các chương trình tỉnh bang, thường sẽ “dễ thở” hơn. Mỗi tỉnh có những yêu cầu riêng, cách thức nộp riêng. Bạn thử hỏi bên tư vấn các chương trình tỉnh bang xem họ khuyên ra sao.
Một cách nữa là chồng bạn qua đây du học, bạn và con sẽ được đi theo, học xong tìm việc làm rồi xin PR. Vụ làm hồ sơ xin du học mình không có kinh nghiệm nên không thể chia sẻ gì thêm, mình chỉ thấy là có nhiều bạn đã qua học IT (1-2 năm), đã xin được việc tốt, con đường mở rộng hơn nhiều.
LikeLike
Các giấy tờ dịch thuật công chứng mình có thể thực hiện ở phòng công chứng tư phải không anh/ chị
LikeLike
Đúng rồi ạ.
LikeLike
Chị ơi, Chị có thể gợi ý giúp em công ty dịch vụ tư vấn mở hồ sơ EE mà Anh Chị đã dùng hoặc công ty mà Anh Chị biết có thể tin tưởng được không ạ? Em cảm ơn Chị nhiều lắm ạ!
LikeLike
Hi Tiên,
Chị tự làm hồ sơ nên chị mới viết blog ghi lại các chi tiết này đó chứ. Chị cũng không biết công ty nào tin tưởng được. Em cứ tìm hiểu kỹ, tốt nhất lên website của CIC đọc đi đọc lại, để nếu có đến nói chuyện với các công ty thì cũng có những ý tưởng cơ bản, không để bị vẽ vời.
LikeLike
Chào anh chị,
Em cám ơn anh chị đã chia sẽ những kinh nghiệm của mình. Nhờ nó mà em đang từng bước thực hiện ước mơ của mình. Em đã có đầy đủ khả năng ạ.
Nhưng anh chị cho em hỏi thêm là nếu mình đi dạng skilled worker mà ngành mình có kinh nghiệm là nằm trong nhóm B (ngành em là sheet metal worker). Vậy mình có phải cần giấy chứng chỉ như trong diện trade skilled worker không ạ? Vì em thấy trade skilled cần chứng chỉ ạ.
Em đang phân vân vụ này quá. Không biết em có được không vì em làm thì không có cần chứng chỉ ạ. Chỉ có giấy reference.
Em xin cám ơn
Mong nhận được hồi âm từ anh chị.
LikeLike
Hi Ngọc Bảo,
Chị không có kinh nghiệm trực tiếp về NOC 7261 nên không dám nói. Em đọc thêm ở đây https://noc.esdc.gc.ca/English/noc/ProfileQuickSearch.aspx?val=7&val1=7261&ver=06. Em thử vào forum https://www.canadavisa.com/canada-immigration-discussion-board/ và hỏi thêm ở các group FB. All the best.
LikeLike
Hi Em,
Đầu tiên cảm ơn bài post của em, rất là hữu ích cho những ai muốn tìm cơ hội định cư, Anh cũng là dân IT giống 2 em.
Anh đang làm để apply vào dạng international skill worker on-demand của saskatchewan dạng provincial nominee,
Vì điều kiện của bà xã anh không đủ để xin EE, anh có đọc khá nhiều về các thủ tục của tỉnh saskatchewan nhưng có mấy chỗ đang không được rõ làm,
1. Vòng đầu tiên là xin ITA (cần phải submit EOI) để đủ điều kiện submit EOI cần phải có ECA (cái này anh làm bằng cao nhất,? (PhD) có ok ko? hay phải làm đầy đủ?
2. Phần kinh nghiệm làm việc và tuổi mình có phải submit (upload) để chứng minh công việc, và tuổi của mình không?) Hay chỉ cung cấp cho tinh bang nếu mình nhận được ITA?
3. Sau khi có nominee nếu may mắn thì mình có phải mở account EE hay không?
Hỏi chừng này đã 🙂
Cảm ơn em,
LikeLike
Hi anh Thắng,
Em từng nhận SINP nomination mấy năm trước nên thấy ai nộp Saskatchewan em rất muốn ‘góp ý kiến’, khổ cái tỉnh đó thay đổi chính sách nhanh quá, bây giờ vô website mà thấy lạ hoắc, họ thay đổi nhiều từ program tới requirement, thành ra từ chỗ ‘có chút kinh nghiệm’ bây giờ thành ‘không biết gì’.
Những ý dưới đây là theo em biết, có thể không chính xác, anh tham khảo thôi nha. Anh hỏi thăm thêm trên forum và chịu khó ‘cày’ website chính thức của SINP để có thông tin cập nhật.
Theo như em mới coi sơ lại website của họ thì mình có thể nộp một trong hai hướng
(1) “Occupations In-Demand” hoặc “Express Entry”
–> (2) submit an Expression of Interest (EOI)
–> (3) có thư mời nộp SINP
–> (4) bổ sung thêm giấy tờ để chính thức nộp SINP
–> (5) có SK nomination
–> (6) submit to CIC
–> (7) có Canada PR
Ở đoạn (6), nếu từ đầu (đoạn 1) anh đã nộp qua “Express Entry” thì khi nộp lên CIC sẽ dùng lại account EE đó, còn ban đầu anh nộp qua “Occupations In-Demand” thì sau này có thể chọn nộp giấy (không cần EE) hoặc tạo EE.
– Vụ ECA, theo em biết chỉ cần làm cho cái bằng mà mình claim điểm, nên làm cho bằng PhD là được. Tuy nhiên nếu không quá khó khăn thì anh tranh thủ làm hết, WES họ tính tiền theo đầu người, gửi nhiều bằng họ cũng tính tiền bằng một bằng.
– Kinh nghiệm làm việc sẽ cần upload, cái này chương trình nào cũng đòi hết nên anh cứ làm sớm để sẵn. Bên FSW EE chỉ cần 1 tờ reference letter là được, nhưng SK có cần thêm gì không thì phải coi trên website của họ.
– Tuổi thì mình phải nộp Passport/Birth Certificate nên anh cũng đi dịch giấy khai sinh để sẵn
Nếu có gì anh cứ nhắn lại. Em có bạn đang làm SINP nên có gì sẽ hỏi giúp anh. All the best nha!
LikeLike
Cảm ơn em,
– Nếu em có bạn cũng đang làm SINP nếu được cho anh thông tin anh kết nối với bạn em cùng chia sẽ được không? bạn em ở TPHCM?
– Về phần em trả lời rất rõ ràng, anh cũng đang đọc nhiều về nó, 🙂 , Có mấy cái anh còn chưa rõ nếu ok em khai sáng giúp anh :).
– Về Proof of Funds mình không có tích trữ trước giờ mình bắt đầu hoặc chuyển khoản tiền lớn vào được không? A thấy yêu cầu của Saskatchwan là minimum là 3 tháng, nhưng họ kêu cần phải đáp ứng yêu cầu của IRCC’s nữa. (a biết IRcc cần ít nhất 6 tháng đến thời điểm submit application).
– Funds cho SINP và cho EE nó tính một cái hay 2 cái, 🙂 vì anh confusing cho này.
– Police certificate: Bà xã anh có đi du học ở đài Loan 2 năm anh đọc thấy có yêu cầu lấy PC nếu mình sống ở nước ngoài > 6 tháng, và nằm trong khoảng thời gian <=10 năm, vợ anh không năm trong khoảng thời gian này, vậy mình cần làm PC của đài Loan không?
Cảm ơn em nhiều,
Win
LikeLike
Hi a Thắng,
E cũng đang chuẩn bị hso apply theo SINP. Email e là Luyen276@gmail.com, có gì cùng chia sẻ kinh nghiệm nhé anh
Luyến
LikeLike
Hi, LITTLECHICKEN270688
anh có gửi email cho em có gì ll qua email nha,
Thanks,
LikeLike
Hi anh Thắng,
Sorry em bận con nhỏ nên cũng không trả lời thường xuyên được.
– Bạn em ở Sài Gòn nhưng làm qua dịch vụ nên cũng không rành các bước.
– Fund cho EE và SINP là một, tức là không phải để dành ra 2 khoản tiền cho 2 bên.
– Proof of fund tốt nhất vẫn nên đủ thời gian yêu cầu (6 tháng). Theo em biết, CIC sẽ không đi hỏi tại sao 6-7 tháng trước không có rồi tự nhiên chuyển vô, họ chỉ cần thấy tiền ở trong tài khoản mình ít nhất 6 tháng là ok. Nếu không đủ 6 tháng, anh coi thêm về “gift deed”, là người nhà cho/tặng tiền, thì không cần 6 tháng gì. Không được nữa, mà tiền đó vẫn là của anh đó giờ (nằm trong nhà cửa, kênh khác v.v..) thì em nghĩ vẫn có thể viết thư giải thích thêm được.
– Nếu đã quá 10 năm em nghĩ không cần nộp PC. Anh cũng có thể viết thêm trong cái Letter of Explanation là vợ tôi ở … từ … đến …, do đã quá 10 năm nên tôi không nộp, nếu CIC có cần xin liên lạc, tôi sẽ nộp v.v.., viết cho mình yên tâm chứ họ quy định sao mình làm vậy thì sẽ không sao đâu ạ.
Kinh nghiệm của em là đọc thật kỹ họ cần gì rồi nộp đúng như vậy, không thừa không thiếu, thì sẽ không có vấn đề gì, CIC không có kiểu ‘hoạnh họe, làm khó, nói một đằng làm một nẻo’ như một số cơ quan ở nhà ta, nhưng họ cũng thẳng tay đánh rớt nếu mình nộp thiếu mà không cho mình cơ hội nói câu nào @_@.
All the best anh. Anh lên thêm các group FB VN để có thêm ‘bạn đồng hành’, ngày xưa em cũng có mấy người làm chung, than thở cùng nhau rất đỡ :P.
LikeLike
Cam on em.
LikeLike
Hi Em,
Lâu bận làm giấy tờ nên không vào đọc comment em được, a có cái cần hỏi em tí.
vụ bước 2: submit an Expression of Interest (EOI), lúc em làm em submit trước rồi làm ECA hay em làm xong có ECA rồi mới submit EOI? hiện tại anh đã gửi bằng đi rồi và họ đang review, vậy có nên submit EOI vào pool không? hay đợi ECA hoàn thành rồi mới submit được?
2. Giấy tời để chứng minh tuổi, tiếng anh, bằng cấp, kinh nghiệm làm việc khi mình tạo EOI có phải upload lên không? hay sau khi có ITA mình mới gửi cho CIC?
Thanks,
Win
LikeLike
Hi anh Thắng,
Lúc em làm không có vụ EOI nên em không có kinh nghiệm gì về EOI. Theo em đọc ở đây thì anh vẫn cần ECA để nộp EOI https://www.canadavisa.com/saskatchewan-expression-of-interest-eoi-system.html#gs.pyl4l3. Hơi “tricky” là không biết có cần cung cấp ECA# liền không, hay mình cứ “assume” là mình có rồi. Nếu chưa xong ECA mà vẫn nộp thì nguy hiểm chỗ: nếu có ITA liền, họ cần mình upload giấy tờ sớm, mà ECA bị sao đó không đưa kết quả kịp thì mình tèo.
Cái này em không có kinh nghiệm trực tiếp, anh cứ tạo account rồi “play around” thử, xem hệ thống đòi thông tin gì, thường đủ thông tin mình mới bấm “submit” được.
LikeLike
Cảm ơn em,
anh đọc qua link em gửi thì có phần này, Candidates who receive an Invitation to Apply from the SINP will have 60 days to submit a complete online application to the SINP and provide all the required documentation to support the information declared in their EOI profile.
Nghĩa khi có ITA thì mình submit những giấy tờ yêu cầu, và cung cấp phần tài liệu hỗ trợ thông tin mình đã khai báo trong EOI.
Có nghĩa mình có thể submit vào pool trước trong khi chờ ECA. vì chứng minh kinh nghiệm anh làm xong rồi, tuổi cũng vậy, ECA thì họ đang review.
Thanks em
LikeLike
Em chào anh. Em cũng đang tìm hiểu chương trình của sask. Anh liên lạc và chia sẻ giúp em một số thông tin qua mail dinhpt62@gmail.com với nhé ạ. Em cảm ơn anh.
LikeLike
Hi anh chị,
Em cám ơn anh chị rất nhiều vì bài viết vô cùng chi tiết ạ. Trong quá trình làm thủ tục, có một điểm em bị vướng ở phần lấy giấy Police Certificate (PC): Không biết certificate này có được chấp nhận nếu trên đó ghi số passport đã hết hạn không ạ?
Vì em từng ở Taiwan 5 năm nên khi lấy PC, họ chỉ có thể ghi vào đó số passport cũ (là passport em dùng trong thời gian ở Taiwan), nhưng hiện tại passport đó đã hết hạn và mọi giấy tờ để apply EE đều sẽ dùng số passport mới.
Liệu mình có cần làm gì để chứng minh 2 số passport là của chung một người không ạ?
Nếu anh chị có thông tin gì thì chia sẻ giúp e nhé!
Em cám ơn rất nhiều!
LikeLike
Hi Vân Thanh,
Theo chị thì:
1) Khi upload mục passport, nhớ upload luôn cả passport cũ. Cái này không bị vướng vụ Police Cert thì vẫn nên làm. Chị nhớ hồi chị làm, CIC yêu cầu khai tất cả passport mình từng có.
2) Khi upload Police Cert, đính kèm 1 phần giải thích, viết ngắn gọn, rõ ràng như em đã viết phía trên. Để ‘an toàn’ thì đính kèm phần giải thích này trong mục Letter of Explanation nữa (để đảm bảo họ sẽ đọc).
Chuyện đổi số passport là rất bình thường, mình giải thích rõ ràng thì sẽ không có vấn đề gì đâu.
All the best nhé!
LikeLike
Hi anh chị,
Cho em hỏi em làm ở cùng 1 công ty trong 3 năm, được promotion 3 lần. Vậy trong phần Work History của EE profile, em nên để 3 dòng tương ứng với 3 level, hay chỉ cần 1 dòng kê level hiện tại với thời gian 3 năm ạ?
Ngoài ra, hợp đồng lao động của em chỉ ghi tên bộ phận (department) và chức vụ (position), chứ ko ghi rõ job title như CIC yêu cầu. Như vậy em nên khai job title giống trên hợp đồng, hay nên tự modify lại job title cho phù hợp NOC ạ?
Em cảm ơn anh chị rất nhiều.
LikeLike
Hi,
Chị không phải là RCIC nên không biết đủ để tư vấn. Chị trả lời theo chị nghĩ thôi.
Khai kinh nghiệm trong “Work History” như thế nào tùy em tính claim bao nhiêu năm ở NOC nào.
Ví dụ em làm 1 năm Asstistant, 1 năm Manager, 1 năm Director. Em claim NOC dành cho Director trong 3 năm, thì đó là không đúng sự thật. Còn nếu em claim NOC khác mà hồi em làm assistant em cũng làm việc đó, lúc làm director em cũng làm việc đó, thì chị nghĩ okay.
Job title không quan trọng bằng job duties, em ghi sao em thấy hợp lý và giấy tờ thống nhất là được.
Tóm lại, vụ kinh nghiệm, mình làm sao mà vừa đúng sự thật, vừa hợp lý với yêu cầu của CIC là ok. Không cần khai quá nhiều chi tiết không cần thiết, và cũng không ghi sai sự thật.
All the best nhé.
LikeLike
Chào chị, chị cho em hỏi nếu hôm nay em đã làm tính điểm trên canadavisa.com nhưng 2 năm nữa e mới đi thì sẽ làm lại từ đầu phải không ạ?
LikeLike
Để tính điểm, tốt nhất nên xài tool của CIC. Hai năm nữa, chương trình có yêu cầu mới nào, điểm chuẩn mới là bao nhiêu v.v.. thật sự không ai nói trước được. Nếu em đã có đủ điều kiện vào pool thì cứ nên mở hồ sơ. Nếu nhận được thư mời mà chưa thể đi thì cứ từ chối thôi.
LikeLike
Em có hỏi về làm FSW qua 1 agent họ báo chi phí là 1 tỷ 6 gần 1t7. Con số này có đúng không ạ?
LikeLike
Hi Phúc,
Chị không làm qua dịch vụ nên không biết giá cả, nhưng gần cả trăm ngàn đô như thế thì đúng là cắt cổ. Em có chắc họ đang nói về chương trình FSW-EE không? Tiếng Anh tốt thì em nên tự làm, không mất chi phí dịch vụ, hoàn toàn chủ động hồ sơ của mình. Tất cả các bước đều được ghi rõ ràng trên CIC website.
Nếu em không có thời gian tìm hiểu, muốn làm qua dịch vụ, hãy tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng hay giao tiền, đã có nhiều câu chuyện công ty ôm tiền “chuồn” mất.
LikeLike
Dạ em cám ơn chị đã reply tin nhắn của em ạ. Em cũng thấy ngạc nhiên khi họ báo mức giá như vậy kèm theo chú thích “em tự làm thì chắc chắn fail”.
Cám ơn thông tin chị đã chia sẻ.
LikeLike
Chỗ nào nói như vậy em nên tránh xa, hù cũng hù cho đúng một chút chứ thô thiển quá. Em cứ đọc vòng vòng forum, blog, facebook một thời gian là biết, đa số người đi FSW-EE là tự làm. Nếu có câu hỏi gì khi làm hồ sơ em cứ hỏi lại, chị biết sẽ trả lời. All the best!
LikeLike
Em cám ơn chị đã nhiệt tình chia sẻ thông tin!
Em muốn hỏi thêm về nghề nghiệp tại Canada: em có bằng Tiếng Anh Thương Mại và có kinh nghiệm làm Logistics tại VN 3 năm thì theo chị em có thể tìm được công việc trong lĩnh vực tương tự tại Canada không hay em nên tìm 1 công việc khác để bắt đầu trước ạ?
LikeLike
Hi em,
Em tìm hỏi thêm trong forum/facebook xem các anh chị làm trong logistics có ý kiến gì. Theo chị sẽ hơi khó vì bên tuyển dụng có thể yêu cầu bằng cấp về logistics ở đây. Quan trọng nhất vẫn là làm sao để có PR, có rồi thì dễ xoay sở hơn nhiều, ngay cả không làm logistics thì làm cái khác.
LikeLike
Hi chi, bảng điểm nộp cho Wes thì có cần phong bì của trường r stamp seal lại kg ạ. Vì e có sẵn bản gốc có đóng mộc, ký tên của trường rồi, thì đem công chứng bản gốc ấy có được không? Thanks chị a
LikeLike
Hi Felix,
Chị làm cũng mấy năm rồi nên không biết bây giờ WES có thay đổi cách làm không. Em xem kỹ hướng dẫn WES gửi cho em, làm theo y như vậy. Nếu họ yêu cầu bảng điểm phải được trường ký tên, đóng dấu thì phải có bước đó.
LikeLike
Chị ơi. Phần Translation tài liệu, em đọc trên CIC thì có nêu là cần một “certified translator for IRCC’s purposes” thực hiện. Chị có thể chia sẻ giúp em lúc làm hồ sơ Anh Chị chọn dịch thuật công chứng ở đâu không ạ? Em xin cảm ơn Chị rất nhiều ạ.
LikeLike
Hi em,
Theo chị biết thì dịch ở đâu cũng được, miễn chỗ đó có chức năng dịch công chứng, ví dụ Sở Tư Pháp, văn phòng Ủy Ban Nhân Dân, các dịch vụ dịch giấy tờ v.v… Nếu ở Sài Gòn, em có thể tới Phòng công chứng số 1, sở Tư Pháp: https://sotuphap.hochiminhcity.gov.vn/gt-cc1
LikeLike
Em có chút thắc mắc và rất mong nhận được tư vấn của anh ạ:
Em sinh năm 97 cũng làm trong ngành CNTT giống anh, anh cho em hỏi trong mục điểm theo kinh nghiệm làm việc, có tính thời gian thử việc 2 tháng không ạ?
Em từng làm 2 công ty, công ty đầu em làm full time vị trí lập trình viên big data tính cả thử việc từ 11/20219 – 3/2020 là 4 tháng.
Công ty thứ hai em cũng làm full time bên lập trình viên .Net cũng tính thử việc nữa từ 05/2020 – 03/2021 là 9 tháng. Vậy mục điểm kinh nghiệm làm việc em có được tính là một năm không ạ? Em băn khoăn quá. Anh có thông tin gì thêm anh share cho em với ạ.
Mong phản hồi của anh!
LikeLike
Em có chút thắc mắc và rất mong nhận được tư vấn của anh ạ:
Em sinh năm 97 cũng làm trong ngành CNTT giống anh, anh cho em hỏi trong mục điểm theo kinh nghiệm làm việc, có tính thời gian thử việc 2 tháng không ạ?
Em từng làm 2 công ty, công ty đầu em làm full time vị trí lập trình viên big data tính cả thử việc từ 11/20219 – 3/2020 là 4 tháng.
Công ty thứ hai em cũng làm full time bên lập trình viên .Net cũng tính thử việc nữa từ 05/2020 – 03/2021 là 9 tháng. Vậy mục điểm kinh nghiệm làm việc em có được tính là một năm không ạ? Em băn khoăn quá. Anh có thông tin gì thêm anh share cho em với ạ.
Mong phản hồi của anh!
LikeLike
Hi Uyên,
Chị trả lời theo hiểu biết của chị.
1) Thời gian thử việc có trả lương được tính vào kinh nghiệm
2) Để vào FSW-EE pool thì ở phần kinh nghiệm, CIC đòi mình phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm “liên tục” (CIC dùng chữ “continuous”). Tốt nhất là làm ở 1 công ty trong 1 năm, còn nếu 2 công ty thì thời gian phải liên tục, ví dụ nghỉ công ty A ngày Jan-1 thì làm ở công ty B ngày Jan-2.
Em làm ở công ty đầu 4 tháng, rồi nghỉ 2 tháng mới bắt đầu công ty sau, làm được 9 tháng, theo chị em chưa đủ điều kiện để mở hồ sơ. Tốt nhất đợi làm công ty B đủ 1 năm rồi mở.
Nhấn mạnh đây là ý kiến của chị. Em cần coi kỹ website của CIC và có thể trả tiền để được người có RCIC tư vấn cho chính xác. All the best.
LikeLike
Chào bạn,
Cám ơn vì thông tin rất cụ thể và chi tiết. Bạn cho mình hỏi 2 câu hỏi sau với ạ:
1- Mình đã kết hôn và có 2 con, vì IELTS của mình ko có cao chỉ đủ CLB 7 nên mình tính mình và các con sẽ đi, còn ông xã ở lại và sau này đi theo diện khác. Trên CRS thì chỉ phân biệt With spouse hoặc without spouse, vậy khi tính điểm. mình sẽ thuộc diện non-spouse đúng ko?
2- Mình đang tính đến phương án tìm thêm job offer để được thêm điểm, vậy bạn cho mình hỏi điều kiện với job offer đó là như nào? chủ sử dụng lao động có cần bảo lãnh hoặc cam kết gì ko?
Mình xin chân thành cám ơn bạn!
Chúc bạn và gia đình bình an và mạnh giỏi trên đất Cà nhé!
LikeLike
Hi Phương,
1- Không biết CIC có thay đổi cách gọi không, hồi trước mình làm, vợ/chồng không đi chung gọi là “non-accompanying spouse”. Bạn vẫn khai “married”, chỉ là không đi chung. Bạn cân nhắc trước khi quyết định khai dạng này, vì có trường hợp CIC sẽ hỏi kỹ: tại sao không đi chung. Lúc đó cần có lý do hợp lý.
Ngoài ra giả sử bạn và con đi trước, thì cũng khá lâu sau đó mới có thể bảo lãnh chồng. Thời gian dài ở xa nhau, đã có trường hợp từ xa tạm thời thành xa luôn vì nhiều sự rắc rối. Mình không cản bạn, vì cũng đã có người làm như vậy thành công, mình chỉ nói cách này có thể không suôn sẻ, dễ dàng như bạn tính.
2- Xin job offer từ ngoài Canada rất khó, không phải vấn đề trình độ, mà là vấn đề giấy tờ. Doanh nghiệp Canada muốn tuyển người đang ở ngoài Canada hầu hết sẽ phải làm thủ tục LMIA, chứng minh họ có nhu cầu tuyển mà không tuyển được ai trong nước. Thủ tục này tốn kém, mất thời gian nên đa phần công ty không làm. Tuy nhiên, lúc nào cũng có ngoại lệ. Mình có đọc tin vài anh/chị nhận được offer. Cái này chắc “tùy duyên”.
Hoặc một lựa chọn khác là công ty bạn làm có chi nhánh bên này, họ đưa bạn đi. Mình có quen một em làm kiểm toán đã đi như vậy.
3- Lựa chọn khác mình thấy tỷ lệ thành công rất lớn, là vợ hoặc chồng đi du học. Ví dụ bạn đi du học, chồng con sẽ được đi theo. Con học miễn phí, chồng tìm việc, nếu không đúng chuyên môn thì vẫn có thể tìm nhiều việc khác sống được. Sau một thời gian thì xin PR cả nhà. Đây là cách có PR phổ biến, an toàn, không bị lừa đảo. Còn các kiểu “mua job”, “đi lao động” v.v.. bạn phải rất cảnh giác vì lừa đảo rất nhiều.
Mình cũng chỉ biết sơ vậy. Nếu cần bạn cứ liên lạc lại, mình biết gì sẽ trả lời.
LikeLike
Chị ơi, cho em hỏi là phần ID documents trong profile, mình cần liệt kê cả Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân và Passport luôn không? Hay chỉ cần 1 trong 3 là được ạ? Em cảm ơn Chị.
LikeLike
Hi Aimee,
Hồi chị thì họ ghi rõ là upload passport, bây giờ họ ghi “ID documents” à. Em cứ xài passport là được.
LikeLike