Mình thi IELTS hai lần, một lần Academic năm 2006 khi nộp hồ sơ xin đi học ở Singapore, một lần General năm 2016 khi nộp hồ sơ FSW-EE. Mình được 7.5 lần đầu và 8.0 lần sau. Điểm như vậy thuộc nhóm khá chứ không cao, nên không có gì là giỏi hay nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên gần đây đọc thấy vài điều “là lạ” nên muốn chia sẻ đôi điều.
IELTS không phải “cái bằng”
Gần đây hay đọc thấy “Tôi chưa có bằng IELTS”, đây là cách nói sai. IELTS là bài kiểm tra trình độ tiếng Anh. Đi học trong trường làm bài kiểm tra, làm xong sẽ có điểm từ 0 tới 10, IELTS cũng vậy, ai cần thì đóng tiền thi, thi xong sẽ nhận được tờ báo điểm. IELTS không có “đậu” hay “rớt”, chỉ có điểm cao hay thấp.
IELTS có 4 phần Nghe, Nói, Đọc, Viết. Người đi thi sẽ có điểm riêng từng phần, và điểm trung bình của 4 phần. Nếu hỏi “thi IELTS được mấy chấm” thì thường là hỏi điểm trung bình này. Điểm này nằm từ 1.0 cho tới 9.0, với 1.0 là không biết gì còn 9.0 là có thể sử dụng tiếng Anh lưu loát.
Tóm lại, nên bỏ chữ “bằng” ra khỏi IELTS, cách nói đúng là “Tôi chưa thi IELTS”, “Tôi thi IELTS được 7.0” v.v..
IELTS không phải mục đích
Một số chỗ quảng cáo về kì thi IELTS như thể đây là một mục tiêu cần đạt được, có chỗ còn phân tích “nên cho con học IELTS từ mấy tuổi”?! Có thể đoán những chỗ này có bán các khóa dạy IELTS nên marketing theo kiểu “tung hỏa mù”, khiến người không rành nghĩ là mình hay con mình phải “học IELTS” mới là tốt, là có lợi thế hơn không học.
Mục tiêu nên là học tiếng Anh chứ không phải học IELTS. Một khi tiếng Anh tốt rồi thì IELTS, TOEFL hay bài kiểm tra nào khác cũng không ngại.
Khi nào cần thi IELTS?
Khi nào cần thì thi. Ví dụ bạn nộp đơn xin học ở Canada, trường cần IELTS ít nhất 6.0, thì thi. Bạn nộp sang trường khác bên Mỹ, họ yêu cầu nộp TOEFL, vậy không cần thi IELTS nữa.
Có cần đóng tiền đi luyện thi không?
Ở đây bỏ qua trường hợp quá giỏi hay quá dở. Đa phần chúng ta tàm tạm. Trước tiên nên tự tìm hiểu về bài thi IELTS, cách tốt nhất là thi thử: google hoặc mua sách IELTS Practice Test về, canh thời gian, làm rồi so đáp án để tự chấm điểm. Làm vài bài là biết cỡ điểm của mình, từ đó định hướng tiếp.
Ví dụ, trường cần 6.5, bạn làm thử thấy được 6.0-7.0 hoặc cao hơn thì thi ngay không cần đi luyện. Nhưng làm thử được chừng 5.0 hoặc dưới, có thể nên đi học.
Thị trường dạy IELTS bây giờ cũng không biết đâu mà lần, quảng cáo luôn nghe êm tai nhưng chất lượng khó nói, nếu chưa có nhiều thông tin thì nên tìm chỗ nào có thể đóng tiền từng tháng, thấy không hiệu quả có thể nghỉ, không nên đóng tiền “trọn khóa” rồi học không thích mà lấy lại học phí cũng không xong.
“Học IELTS” thực tế là học Anh văn và làm quen với format bài thi, chứ không phải học ngón nghề gì đặc biệt. Quan trọng nhất là thực lực, là trình độ tiếng Anh chung, muốn cải thiện cần chuyên tâm ít nhất nhiều tháng, không có đường tắt. Chỗ nào dạy mà hứa hẹn có kết quả nhanh chóng thì hãy tự hỏi họ là thần thánh hay đại bịp. Ngược lại, bản thân người học phải có kỳ vọng hợp lý, nếu tiếng Anh còn yếu nhưng muốn thi điểm cao trong thời gian ngắn, nghĩ các khóa luyện thi sẽ có “bí quyết” gì đặc biệt, tin rằng có thể “học tủ” v.v.. thì cũng khá viển vông.
Bản thân mình nói, viết tiếng Anh chỉ ở mức cơ bản, thực tế là ăn nói lắp bắp, viết email đơn giản chứ không có khả năng viết học thuật hay đọc báo như báo Times. Đường học Anh văn với mình vẫn còn dài.
Xin kết luận bằng một vài tựa sách IELTS mà mình thấy hay.
- Cambridge Practice Tests for IELTS (1-13)
- (bổ sung sau)
Luyện tiếng Anh nói chung