Chia sẻ kinh nghiệm lấy Canada PR từ Việt Nam theo chương trình Federal Skilled Worker – Express Entry (2017)

Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm của gia đình mình khi làm hồ sơ xin PR từ Việt Nam theo diện Federal Skilled Worker – Express Entry năm 2017, hy vọng đã ghi lại được những bước chính từ khi bắt đầu cho đến khi đáp tại Canada.

Các chương trình di trú của Canada được cập nhật thường xuyên, những gì mình hay người khác làm có thể không còn được áp dụng khi bạn làm nữa. Vì vậy, để biết thông tin mới nhất, bạn hãy luôn tìm hiểu trên website chính thức của CIC/tỉnh bang, hoặc tìm đến người tư vấn có thẩm quyền.


Canada Permanent Resident (PR) có quyền lợi gì

Tạm dịch từ trang của chính phủ: Understand PR status

“Thường trú nhân Canada/Canada PR” là công dân của nước khác nhưng có quyền sống, học tập, làm việc tại Canada, được hưởng hầu như mọi quyền lợi của một công dân Canada.

Quyền lợi:

  • Có hầu hết mọi quyền lợi về an sinh mà công dân Canada được hưởng, tức là các quyền lợi về y tế, giáo dục v.v..
  • Sống, học tập, làm việc tại bất cứ đâu trên Canada
  • Được luật pháp Canada bảo vệ
  • Nộp đơn xin quốc tịch Canada khi đã đủ điều kiện

Nghĩa vụ:

  • Đóng thuế và tuân thủ luật pháp của Canada
  • Để giữ PR, cần phải sống tại Canada ít nhất 730 ngày (tương đương 2 năm) trong vòng 5 năm, không cần ở liên tục

Hạn chế:

  • Không có quyền bầu cử hay ứng cử vào các tổ chức chính trị
  • Không có cơ hội làm việc ở những vị trí đòi hỏi tính bảo mật cao, ví dụ liên quan đến an ninh quốc phòng (jobs that need a high-level security clearance)

Tóm tắt quá trình xin PR qua chương trình Federal Skilled Worker

Với mình, định cư theo chương trình Federal Skilled Worker (FSW), tạm dịch ”Định cư theo dạng lao động có tay nghề” gần giống như thi đại học. Bạn có điểm thi của bạn, trường có điểm chuẩn, nếu điểm của bạn lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn, bạn sẽ nhận được giấy mời nhập học.

Tương tự, FSW đưa ra một bảng tiêu chí dựa trên tuổi, bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, điểm tiếng Anh/Pháp v.v…, từ đó bạn sẽ tính được “điểm” của mình. Hầu như hàng tháng, CIC sẽ công bố “điểm chuẩn”. Nếu điểm của bạn lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn, bạn sẽ nhận được “Thư mời nộp PR”.

Khi có thư mời, bạn bổ sung giấy tờ, chính thức nộp hồ sơ. Sau vài tháng xét duyệt, nếu không có vấn đề gì, CIC sẽ cấp visa và tờ giấy “Confirmation of Permanent Residence (CoPR)” cho bạn.

Có visa và CoPR rồi, bạn có thể đáp ở bất cứ nơi nào ở Canada (trừ Quebec) để “activate PR status”, chính thức trở thành thường trú nhân của xứ Cà.

Các cột mốc chính, click hình để phóng to

steps


Bước 1: Tự đánh giá hồ sơ bản thân

[1.1] Điều kiện để mở hồ sơ Express Entry

Eligibility to apply as a Federal Skilled Worker (Express Entry)

Tóm lượt các yêu cầu chính:

(a) Có ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc (Level 0, Level A hoặc Level B) thuộc một trong những ngành Canada quy định – National Occupational Classification (NOC). Xem thêm các điều kiện khác cho 1 năm kinh nghiệm này tại đây.

Ví dụ, mình làm IT Business Analyst thì mình thuộc Skill Level A, NOC 2171 – Information systems analysts and consultants.

(b) Tiếng Anh hoặc Pháp: Bốn kỹ năng (Nghe, nói, đọc, viết) đạt ít nhất chuẩn CLB 7.

CLB = Canadian Language Benchmark

Với IELTS General, CLB 7 có nghĩa tối thiểu cần đạt 6.0 từng môn. Xem bảng này để biết cách quy đổi IELTS General qua CLB

clb_chart

(c) Nếu học tại Canada, phải tốt nghiệp từ secondary or post-secondary. Nếu học ngoài Canada, tối thiểu phải tốt nghiệp cấp 3 và có làm “đánh giá bằng cấp” Educational Credential Assessment (ECA).

“Đánh giá bằng cấp” nôm na là gửi bằng và bảng điểm cho một đơn vị trung gian để đơn vị này xét xem bằng cấp đó có tương đương với bằng cấp của Canada hay không hay tương đương như thế nào. Theo kinh nghiệm bản thân mình và một số bạn bè, bằng đại học tại Việt Nam được công nhận là tương đương bằng đại học tại Canada.

Làm “Đánh giá bằng cấp” mất thời gian, công sức, và tiền bạc nên chỉ làm nếu quyết định sẽ mở hồ sơ Express Entry. Xem chi tiết cách làm ở bước [2.2]

(d) Đạt ít nhất 67/100 điểm theo bảng đánh giá “Six selection factors” – Six selection factors – Federal Skilled Worker Program (Express Entry)Quan trọng

Đây không phải là điểm để nhận thư mời nộp PR.

  • Nếu có dưới 67/100, bạn chưa thể mở hồ sơ Express Entry, cần tìm cách cải thiện điểm hoặc xem xét những chương trình khác không phải Express Entry.
  • Nếu đạt từ 67/100 trở lên, bạn có thể mở hồ sơ trong hệ thống Express Entry. Khi mở rồi, bạn sẽ có điểm CRS. Điểm CRS là điểm quyết định bạn có nhận thư mời nộp PR hay không. Xem về điểm CRS ở mục [1.3] bên dưới.

Trên CIC không thấy bảng tính điểm tự động cho mục “Six selection factors” này. Ngày xưa mình lấy Excel ra, tính từng mục rồi cộng lại. Nếu tìm được tool nào tính tự động, mình sẽ bổ sung vào bài viết.

(e) Có ‘ít tiền lận lưng’. Đây là số tiền bạn cần chứng minh là bạn có, không phải là tiền nộp cho CIC. Ví dụ, nếu độc thân thì bạn cần có ít nhất CAD 12,475 (~222 triệu VND). Nếu đang đi làm ở Canada hay có job offer từ Canada thì không phải chứng minh phần này.

Đây là screenshot số tiền tối thiểu cần có khi mình làm hồ sơ năm 2017. CIC có thể cập nhật số tiền này, cần xem link để biết quy định mới nhất.

fund

(f) Một số yêu cầu về sức khỏe & an ninh khác: không có tiền án tiền sự, không liên quan đến các tổ chức nguy hại đến an ninh của Canada, sức khỏe tốt, v.v..

(g) Không có ý định sống ở Quebec. Quebec có chính sách nhập cư riêng, xem ở đây.

[1.2] Làm Eligibility Test

Check your eligibility

This information is for reference only and no immigration decision will be made based on your answers. If you choose to apply, your application will be considered by an immigration officer in accordance with the Immigration and Refugee Protection Act, without regard to any outcome you attain through this questionnaire.

[1.3] Tính điểm CRS (Điểm để nhận thư mời) – Rất quan trọng!

Link tự tính điểm:

Link xem điểm tối thiểu để nhận thư mời (cut-off score):

Ví dụ, trong lần draw ngày 22/08/2018, cut-off score là 440. Có 3,750 hồ sơ đang active trong pool đã nhận được thư mời.

cutoff

>> Đến đây, bạn đã xem qua các điều kiện mở hồ sơ, tính điểm CRS & cân nhắc có tạo account Express Entry hay không, nếu có, qua Bước 2.


Bước 2: Thi IELTS General, làm Đánh giá bằng cấp, tạo Express Entry account & submit để vào pool

[2.1] Thi IELTS General Training

Cần phải thi IELTS General Training nếu bạn chưa từng thi hoặc đã thi cách đây hơn 2 năm. Lưu ý phải là General Training, Express Entry không xét kết quả Academic.

Ngoài ra, CIC công nhận bằng tiếng Pháp CELPIP (Canadian English Language Proficiency Index Program) hoặc TEF: Test d’évaluation de français). Mình không biết tiếng Pháp nên không có ý kiến phần này.

[2.2] Đánh giá bằng cấp – Educational Credential Assessment (ECA)

Như đã nói ở Bước 1, nếu học ngoài Canada, bạn cần làm bước “Đánh giá bằng cấp”, tức gửi bằng và bảng điểm cho một đơn vị trung gian để đơn vị này xét xem bằng cấp đó có tương đương với bằng cấp của Canada hay không.

Thông tin về Educational credential assessment (ECA) từ CIC

Các nơi làm ECA được CIC công nhận hiện nay:

  1. Comparative Education Service – University of Toronto School of Continuing Studies
  2. International Credential Assessment Service of Canada
  3. World Education Services
  4. International Qualifications Assessment Service
  5. International Credential Evaluation Service

Bản thân mình và một số bạn bè mình biết làm với World Education Services (WES). Đọc thêm bài: Kinh nghiệm làm ECA với WES

[2.3] Khi đã có IELTS và ECA, tạo Express Entry account trên CIC, điền đầy đủ thông tin và submit để vào pool

Tạo Express Entry account trên CIC (myCIC account)

  • Nên ghi lại password, security question, screenshot lại tất cả những thông tin bạn khai trong myCIC account.
  • Khi tính thử điểm CRS, bạn có thể “điền đại” IELTS và chưa cần làm ECA, nhưng để vào pool, bạn cần thi IELTS và làm ECA cho xong. Lý do: bạn phải nhập “IELTS Test Report Form Number” và “ECA Report Number” mới submit vào pool được.
  • “Vào pool” không có nghĩa là bạn chính thức nộp hồ sơ PR, chỉ có nghĩa bạn đang “dự tuyển” cùng với hàng ngàn người khác. Bạn phải chờ thư mời.
  • Sau khi submit vào pool, bạn vẫn có thể cập nhật profile, đọc quy định CIC về cập nhật profile ở đây.

>> Đến đây, bạn đã tạo Express Entry account, submit vào pool, chờ nhận thư mời.


Bước 3: Nhận thư mời, Chuẩn bị giấy tờ, Chính thức nộp hồ sơ xin PR

[3.1] Nhận thư mời – Invitation to Apply (ITA)

Thường hàng tháng, CIC sẽ công bố điểm cut-off của chương trình Express Entry, không phải tháng nào cũng có. Nếu hồ sơ bạn đang “active” trong pool và điểm CRS >= cut-off, CIC sẽ gửi thư mời qua myCIC account.

Sau khi có thư mời, nếu hồ sơ có thay đổi, điểm CRS sẽ bị tính lại. Sau khi tính lại, điểm CRS mới lớn hơn hoặc bằng cut-off thì không sao, còn ít hơn thì mặc dù đã có thư mời, hồ sơ sẽ không được xét tiếp. Xem thêm phần “When a candidate’s situation changes after the ITA is issued“. Phần tính lại điểm này cũng được nói tới trong thư mời.

Download Invitation to Apply (ITA) để tham khảo

[3.2] Làm theo hướng dẫn của thư mời, upload giấy tờ và submit hồ sơ xin PR

Theo quy định gần đây nhất, bạn có 60 ngày để quyết định có chính thức nộp hồ sơ PR hay không (trước đây là 90 ngày). Nếu không nộp nữa, bạn có thể “từ chối” thẳng trên myCIC acccount hoặc không làm gì cả, quá hạn 60 ngày tự động thư mời hết hạn và hồ sơ sẽ bị ra khỏi pool. Nếu sau này muốn nộp lại, bạn phải tạo hồ sơ mới.

Nếu chấp nhận thư mời, để chính thức nộp hồ sơ xin PR, bạn cần upload các giấy tờ CIC yêu cầu. Cái nào chỉ có tiếng Việt thì phải có bản dịch có công chứng đi kèm. Tất cả cần được scan, tốt nhất scan màu hết và upload lên myCIC account. MyCIC account sẽ có các “place holder” để bạn upload file lên.

Chủ yếu có các giấy sau:

(a) Passport

(b) Education Records (ECA Report, Bằng, Bảng điểm)

>> Quy định của CIC & kinh nghiệm làm ECA: xem phần [2.2] bên trên

Q: Ngoài ECA cho mình, có cần làm ECA cho vợ/chồng đi chung không?
A: Lúc tính điểm CRS, bạn có liệt kê bằng cấp của vợ/chồng không? Nếu có, bạn phải làm ECA cho vợ/chồng. Tóm lại, hễ bạn claim điểm CRS những phần nào, bạn phải có giấy tờ chứng minh những phần đó. Hơn nữa, theo ý riêng của mình, có claim điểm CRS hay không vẫn nên làm ECA cho vợ/chồng, sau này khi xin việc ở Canada, ghi vào Resume là bằng cấp mình được Canada công nhận vẫn tốt hơn.

(c) Employment Records

>> Quy định của CIC: Link (xem phần “Proof of work experience”)
>> Kinh nghiệm của mình: Chuẩn bị Employment Reference Letter

Q: Ngoài Employment Reference Letter cho mình, có cần làm Employment Reference Letter cho vợ/chồng đi chung không?
A: Ở đây mình giả sử cả hai vợ chồng đều chưa có kinh nghiệm làm việc tại Canada. Bản thân bạn cần làm Employment Reference Letter để claim điểm CRS, còn vợ/chồng thì không cần vì CIC không tính điểm cho phần kinh nghiệm “ngoài Canada” của vợ/chồng. Một số người vẫn làm vì dù không nộp cho CIC, họ vẫn muốn có giấy Reference Letter đem theo, cái này tùy mỗi người.

(d) Police Certificate(s) – Lý lịch tư pháp

>> Quy định của CIC: Link
>> Kinh nghiệm của mình: Singapore Certificate of ClearanceLý lịch tư pháp VN tờ số 2

Q: Nộp Police Certificate của những ai?
A: Cần nộp Police Certificate của bản thân và các thành viên trong gia đình (vợ/chồng/con) miễn họ trên 18 tuổi dù họ có đi chung với bạn hay không (you and your family members).

Q: Nộp Police Certificate của những nước nào?
A: Tất cả các nước mà bạn hay thành viên gia đình ở liên tục trên 6 tháng sau 18 tuổi trong vòng 10 năm gần đây (every country you or a family member stayed in during the last 10 years for 6 months or more in a row). Những nơi ở trước 18 tuổi hoặc thời gian ở Canada thì không cần nộp.

Q: Cần làm gì nếu nước đó cần CIC gửi thư yêu cầu mới cấp Police Certificate?
A: Một số nước (như Singapore) chỉ cấp Police Certificate nếu CIC gửi thư yêu cầu. Bạn upload 1 tờ giấy ghi “I am applying from a country that requires an official request letter from IRCC to get a police certificate.” lên myCIC account. CIC sẽ gửi thư yêu cầu cho bạn, bạn cầm tờ này đi xin Police Certificate. Xem hướng dẫn của CIC, phần “If you need a request letter”.

(e) Proof of Medical Exam – Khám sức khỏe ở nơi được CIC chỉ định

>> Quy định của CIC: Link
>> Kinh nghiệm của mình: Khám sức khỏe ở Fullerton, Singapore

Q: Ai cần khám sức khỏe?
A: Bạn và các thành viên trong gia đình (vợ/chồng/con) dù họ có đi chung với bạn hay không (you and your family members).

Q: Khám ở đâu?
A: Xem danh sách những nơi CIC chỉ định

(f) Payment Receipt – Biên lai tiền phí xét PR

>> Quy định của CIC: Link

Q: Đây là tiền gì, đóng như thế nào, bao nhiêu?
A: Đây là chi phí để CIC xét hồ sơ của bạn. Đóng online bằng credit hay debit card. CIC sẽ gửi bạn tờ biên lai (PDF) để bạn upload lên myCIC account. Số tiền cần đóng xem ở đây, mình copy lại dưới đây.

fee

Download Payment Receipt để tham khảo

(g) Proof of Funds – Chứng minh tài chính

>> Quy định của CIC: Link
>> Kinh nghiệm của mình: Chuẩn bị Proof of funds (POF)

(h) Digital Photo – Hình thẻ

>> Quy định của CIC: Link

(i) Form kê khai thông tin về bản thân, gia đình, address history, travel history, v.v..

>> Sẽ có hướng dẫn trong myCIC account, bạn download, điền đầy đủ thông tin, scan & upload.

CIC lâu lâu sẽ cập nhật các form này. Luôn luôn download form mới nhất từ website của CIC, không download từ các trang web khác hay dùng lại mẫu đơn của người khác đã nộp vì mẫu đó có thể đã cũ.

(j) Letter of Explanation (Optional)

>> Nếu muốn giải thích thêm gì cho hồ sơ thì bạn viết Letter of Explanation (word/pdf) rồi upload.


Lưu ý: Bạn phải upload tất cả các giấy tờ CIC yêu cầu trước thời hạn 60 ngày, nếu thiếu phải có lý do chính đáng, ví dụ tôi chưa nộp Singapore Police Certificate vì Singapore Police làm chậm trễ (cần có bằng chứng). Nếu bạn nộp thiếu hoặc không có lý do chính đáng, nhiều khả năng CIC sẽ đánh rớt chứ họ không “nhắc” hay “đợi” bạn làm cho xong.

Trước khi bấm “submit”, hãy kiểm tra thật kỹ: đã upload hết những giấy tờ CIC yêu cầu, cái nào chỉ có tiếng Việt cần có bản dịch công chứng, nên sắp xếp bản tiếng Anh nằm trước, bản tiếng Việt ngay phía sau, giấy tờ nào cần scan nên scan màu. Nếu được, hãy nhờ người khác xem qua dùm, một mình nhìn hoài sợ hoa mắt mà không nhìn ra lỗi. Mình từng thấy trên forum nhiều bài “la làng” như “submit thiếu”, “upload nhầm file”, nhiều phiền toái mà nếu cẩn thận thì đã tránh được.

Sau khi kiểm tra mọi thứ, bạn submit hồ sơ online và sẽ nhận được “Acknowledgement of Receipt (AOR)”.

>> Khi có AOR, CIC đã chính thức nhận được hồ sơ xin PR của bạn và sẽ từ từ xử lý.


Bước 4: Chờ đợi & cập nhật CIC nếu hồ sơ có thay đổi
  • Thời gian CIC xử lý hồ sơ tùy thuộc nhiều thứ: chính sách của CIC lúc đó, độ hên xui của hồ sơ bạn v.v..  Lúc mình làm, thời gian trung bình cho hồ sơ FSW-EE outland là 6 tháng. Bản thân mình mất gần 8 tháng. Những người nộp chung cùng đợt có người xong trong 2-3 tháng. Bạn có thể xem thời gian xử lý trung bình ở đây.
  • Nếu hồ sơ bạn có thay đổi, ví dụ kết hôn, ly dị, có con v.v.., phải nhanh chóng báo cho CIC biết. Dùng CSE tool (IRCC Webform) để thông báo cho CIC.
  • Thường xuyên vào myCIC account để xem có thông báo hay yêu cầu bổ sung gì không. Tránh ngày nào cũng vào xem sẽ dễ ức chế, nói vậy chứ lúc trước ngày nào mình cũng vào xem cả.
  • Nếu chờ lâu quá, ví dụ hơn 6 tháng mà hồ sơ không có “tiến triển” gì, bạn có thể gọi điện lên CIC để hỏi thăm. Số điện thoại ngày trước mình gọi là (+1) 888-242-2100, chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới gặp được nhân viên của CIC. Họ rất lịch sự, kiên nhẫn, sẽ giúp kiểm tra xem hồ sơ của bạn ở bước nào. Phần lớn họ cũng chỉ cung cấp những thông tin mà bạn tự coi được trên myCIC account, tuy nhiên có lúc họ cũng có thông tin mà myCIC chưa có, ví dụ lúc trước hồ sơ của mình đã được duyệt (approved) nhưng mình chưa nhận được tin gì, gọi điện lên, nghe đã được approved mình mừng quá chừng.
  • Sau khi nghe hồ sơ được “approved”, chờ thêm 3 tuần không thấy gì, mình gửi mail tới CPC-CTD-Ottawa@cic.gc.ca, gửi hú họa thôi thì CIC trả lời “Please note that your application was approved and a Ready for Visa letter will be sent shortly. Please check your inbox and spam folder and notify our office if you have not received this letter.”, ngày hôm sau thấy PPR (!), không biết có phải tại mình gửi mail nhắc hay theo lịch trình thì PPR sẽ tới ngày đó nữa.

Bước 5: Nhận “Confirmation of Permanent Resident” & Lên đường

[5.1] Nhận “Passport Request Letter” (PPR), làm theo hướng dẫn để nhận “Confirmation of Permanent Resident” (CoPR)

Nếu mọi thứ tốt đẹp, bạn sẽ nhận email với tựa đề “Ready for Visa“. Đây là “Passport Request Letter” (PPR), trên forum hay gọi là “golden email”. Xin chúc mừng, 99% hồ sơ đã xong xuôi. Email này sẽ hướng dẫn cách gửi passport & hình thẻ đến Visa Office.

Visa office xử lý passport Việt Nam nằm ở Singapore. Thời gian đó mình ở Singapore nên cứ đem passport đến nộp, không phải gửi qua bưu điện.

Visa Office sẽ:

(1) Dán visa Canada vào passport và

(2) Đưa cho bạn tờ giấy “Confirmation of Permanent Resident” (CoPR). CoPR, như tên gọi của nó, là tờ giấy công nhận CIC đồng ý cấp PR cho bạn.

Cần giữ tờ CoPR thật kỹ, tránh làm nhăn nheo nhàu nát. Đây sẽ là tờ giấy ”mang” bạn đến Canada. Qua Canada rồi bạn phải giữ nó để làm các giấy tờ khác, có thẻ PR rồi bạn cũng cần giữ để dễ dàng làm các thủ tục sau này, cơ bản là giữ hoài.

[5.2] Lên đường

Bạn cần đáp ở Canada 1 năm tính từ ngày có CoPR hoặc tính từ ngày khám sức khỏe (whichever earlier).

Xem ghi chú của CIC khi hồ sơ đã được duyệt xong

Xem danh sách giấy tờ cần mang theo khi đáp lần đầu tại Canada

Các việc cần làm còn lại:

  • Mua vé máy bay
  • Mua Bảo hiểm y tế 3 tháng đầu nếu bạn đến Ontario hoặc tỉnh nào đó mà bảo hiểm y tế của chính phủ chưa có hiệu lực ngay ngày đáp.
  • Điền sẵn form Goods Accompanying List, Goods to Follow List (Form B4 / B4A) phòng khi cần khi làm thủ tục đáp tại sân bay. Mình có làm nhưng không ai hỏi, có khi tại đáp lúc nửa đêm, mặt mũi bơ phờ nhìn tội.
  • Chuẩn bị hành lý. Đọc quy định được mang cái gì vào Canada từ website của Canada Border Services Agency (CBSA). Xem thêm các món có thể mang theo ở website này. Mình không muốn hành lý có rắc rối gì nên không đem đồ ăn gì hết, chủ yếu chỉ quần áo, đồ dùng cá nhân.
  • Khi đáp, bạn sẽ làm thủ tục nhập cảnh với nhân viên hải quan tại quầy. Họ sẽ hỏi một số câu như: bạn sẽ ở đâu (PR card sẽ được gửi về đó), có đem hơn $10,000 tiền mặt không v.v… Xong bước này, nhân viên hải quan sẽ ghi thông tin lên tờ CoPR, ký tên, chính thức chào mừng bạn đến với Canada.
  • Thẻ PR sẽ được gửi về địa chỉ bạn khai báo, thường sau 2-3 tháng.

Vé máy bay nhà mình mua của Eva Air. Giá 32 triệu / 2 người / 1 chiều từ Sài Gòn tới Pearson (YYZ), Toronto. Tổng giờ bay 19:45 hrs, transit ở Taipei 2:40 hrs. Hành lý gửi 2 kiện/người, mỗi kiện 23 kg, xách tay 7 kg/người. Chuyến đi khá tốt, bay đúng giờ, dịch vụ okay, đồ ăn được.

Phần bảo hiểm y tế, mình không biết gì mấy nên google và mua đại bảo hiểm Visitors to Canda của Allianz (mua online, giá $686.34 / 2 người / 93 ngày, sum insured $100K)

Đọc thêm bài: Chuẩn bị hành lý lên đường


Các câu hỏi thường gặp

Q: Chương trình này có còn lúc bạn đọc bài này không?
A: CIC cập nhật chính sách thường xuyên, một ngày nào đó họ có thể bỏ hẳn chương trình này, hoặc thay đổi nhiều điều kiện. Bạn hãy kiểm tra trên website của CIC, mọi thông tin đều được đăng tải đầy đủ.


Q: Có cần nộp qua agent hay tự làm được?
A: Tự làm được. Theo kinh nghiệm cá nhân, mới bắt đầu mà đọc website của CIC cũng hơi oải, bạn cứ google xem các bài chia sẻ của mọi người. Bài blog này hy vọng đã ghi lại được những bước chính để bạn dễ hình dung. Bạn cũng nên tham gia forum này, rất nhiều người đã trả lời những câu bạn có thể đang thắc mắc, nên đọc càng nhiều càng tốt.

Luôn nhớ CIC có thể thay đổi quy định thường xuyên, những gì người khác đã làm có thể không còn được áp dụng khi bạn làm nữa, vì vậy phải luôn lên website CIC để kiểm chứng.

Tất nhiên nếu tìm được agent nào uy tín, chi phí hợp lý thì bạn cứ làm với họ, cũng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian tìm hiểu.


Q: Nộp qua agent có được ưu tiên gì không?
A: Không.


Q: Làm FSW EE có đi được cả nhà (vợ/chồng, con) cùng lúc không?
A: Được. Ở phần tính điểm CRS, câu “2) ii. Will your spouse or common-law partner come with you to Canada?”, trả lời “Yes”.


Q: Làm sao để tăng điểm CRS?
A: CIC tính điểm rõ ràng và công khai, bạn tự xem mục nào thì tăng điểm được, ví dụ: nâng điểm IELTS, làm đủ 3 năm kinh nghiệm, học thêm bằng, học tiếng Pháp v.v…

Một số bạn chọn qua Canada du học. Du học & định cư sau du học là đề tài bao la, mình không có kinh nghiệm trực tiếp nên không có ý kiến gì thêm, tuy nhiên mình đã gặp khá nhiều bạn chọn cách qua đây học 1-2 năm, sau đó xin việc làm rồi xin PR.


Q: Nếu điểm CRS thấp hơn so với điểm cut-off, có nên tạo hồ sơ không?
A: Tùy bạn. Chắc không ai nói được điểm cut-off sẽ lên hay xuống trong thời gian tới. Nếu điểm gần với cut-off trong thời gian gần đây, theo mình bạn cứ nên vào pool “chờ thời”, song song đó tìm hiểu thêm các chương trình định cư khác.

Bản thân mình khi vào pool cũng không nghĩ là sẽ được vì cut-off lúc đó rất cao so với điểm của mình. Một ngày đẹp trời CIC hạ điểm, thế là mình nhận được thư mời! Cái này hay không bằng hên.


Q: Có cần học ở Canada hay từng làm việc ở Canada?
A: Không cần. Nếu có, bạn sẽ được thêm điểm CRS.


Q: Có cần có job offer ở Canada?
A: Không cần. Nếu có, bạn sẽ được thêm điểm CRS.


Q: Có cần có bà con ở Canada?
A: Không cần. Nếu có anh chị em ruột trên 18 tuổi là Canada citizen/PR, bạn sẽ được thêm điểm CRS.


Q: CIC tính tuổi (age) như thế nào? Vào pool rồi mà qua sinh nhật thì tuổi có tăng, điểm có giảm không?
A: Bạn có thể xài tool này để tính tuổi

Tuổi là một trong những yếu tố quan trọng CIC dùng khi tính điểm CRS. Nhìn vào bảng CIC tính điểm thì từ 20 đến 29 tuổi là thời điểm “đẹp nhất” để vào pool. Sau 29 tuổi, mỗi năm mình đều bị mất điểm. Tuy nhiên chuyện này bản thân mình không thay đổi được rồi nên chỉ còn nước tìm hiểu CIC quy định như thế nào.

Khi vào pool, tuổi và điểm CRS sẽ được (đúng hơn là “bị”) cập nhật. Tức là, khi còn đang chờ thư mời, qua ngày sinh nhật CIC sẽ tự cập nhật tuổi trong hệ thống và “chỉnh” điểm CRS. Tuy nhiên một khi nhận được thư mời, tuổi sẽ được “lock”, tức là có thư mời rồi thì có qua sinh nhật cũng sẽ không bị hạ điểm, xem quy định ở đây.

Lưu ý: Phần tính tuổi này mình đọc từ website của CIC, bạn cần đọc CIC kỹ hơn hoặc tham khảo nguồn khác nữa nếu tuổi là phần ảnh hưởng lớn đến hồ sơ của bạn.


Q: Có phải các bước làm hồ sơ FSW EE đều làm qua mạng (electronic) không?
A: Phải. Trừ bước đánh giá bằng cấp (ECA) là phải gửi bằng & bảng điểm qua Canada, các bước tiếp theo đều qua mạng: tạo myCIC account, nhận thư mời, upload giấy tờ, nhận AOR, v.v.. Ở bước cuối khi đã có “Ready for Visa” email, bạn cần nộp passport gốc lên văn phòng visa để dán visa & nhận tờ giấy CoPR.


Q: Có khi nào có thư mời rồi mà hồ sơ bị từ chối không?
A: Theo mình tìm hiểu thì có, lý do cũng đa dạng. Ví dụ bạn khai trong hồ sơ là có 3 năm kinh nghiệm làm Business Analyst (NOC 2171) nhưng Employment Reference Letter không thể hiện đủ 3 năm, hoặc Job duties không hợp với NOC 2171, hoặc CIC yêu cầu tối thiểu có CAD 10,000 cho phần Proof of Funds (POF) nhưng Bank Statement chỉ tương đương CAD 9,000, hoặc bạn ở nước XYZ hơn 6 tháng nhưng không nộp Police Clearance, hoặc hồ sơ có gian dối gì đó mà CIC tìm ra được, hoặc kết quả khám sức khỏe có chút vấn đề, v.v..

Nhưng nói chung nếu bạn nộp đúng, đủ các giấy tờ CIC yêu cầu, hồ sơ trung thực, sức khỏe tốt, thì không có lý do gì CIC từ chối sau khi đã gửi bạn thư mời phải không.


Q: Tổng thời gian từ khi nộp đến khi có PR là bao lâu?
A: Lúc mình làm năm 2017, thời gian trung bình là 6 tháng. Hồ sơ mình thì gần 8 tháng, nhiều bạn được duyệt trong 2-3, thậm chí 1 tháng. Lưu ý đây là thời gian tính từ lúc có AOR, nếu mới bắt đầu, bạn phải tính thêm thời gian tìm hiểu & chuẩn bị giấy tờ (làm ECA, thi IELTS, v.v..)


Q: Tổng chi phí là bao nhiêu?
A: Tính tương đối thì chi phí cho một người độc thân tự làm hồ sơ FSW EE từ đầu đến cuối khoảng 30 triệu đồng (năm 2017).

Mục  CAD  VND
Tiền thi IELTS General (ở TP.HCM)         270     4,806,000
Tiền làm ECA với WES         250     4,450,000
Tiền nộp cho CIC – Processing fee         550     9,790,000
Tiền nộp cho CIC – Right of permanent residence fee         490     8,722,000
Tiền làm lý lịch tư pháp tờ số 2 (ở TP. HCM)           15        267,000
Tiền dịch thuật           50        890,000
Khác           50        890,000
Tổng cộng      1,675   29,815,000

Q: Có PR rồi thì Canada có sắp xếp công ăn việc làm cho mình không?
A: Không.


Q: Qua Canada rồi có dễ tìm việc tốt không?
A: Nếu câu hỏi là “Có dễ tìm công việc đủ ăn trong lúc tôi tìm việc mà tôi ưng ý không?” thì câu trả lời là: Có.


Q: Ngoài Federal Skilled Worker (FSW), có những cách nào khác để xin định cư Canada?
A: Câu này ngoài tầm tay của mình, xin không có ý kiến kẻo nói bậy. Hiện nay có rất nhiều chương trình định cư, từ liên bang cho đến tỉnh bang, bạn có thể xem tổng quan ở đây.

Trong số này, bạn nên xem qua Provincial nominees (thường gọi là PNP). Đây là các chương trình định cư của tỉnh/bang. Mỗi tỉnh/bang có những tiêu chí riêng, cách nộp hồ sơ riêng. Nếu tự làm, bạn phải chịu khó đọc và theo dõi website của tỉnh.

Nếu thấy “mênh mông” quá, bạn có thể tới các trung tâm nghe tư vấn. Góp ý duy nhất của mình là, bạn phải kiểm chứng được cách làm hồ sơ mà trung tâm tư vấn cho bạn. Tất cả những chương trình di trú hợp pháp đều được CIC/tỉnh bang công khai thông tin trên website. Hãy cẩn thận trước những lời tư vấn mà bạn không thể kiểm chứng được để không mất tiền vô ích.


Điểm CRS và Profile

Mình có nhận vài tin nhắn hỏi về điểm CRS, xin chia sẻ luôn. Mình có thư mời vào tháng 2/2017, lúc đó mình 34 tuổi, có 2 bằng đại học, IELTS General CLB 9 (Nghe 8.5, Đọc 8.5, Nói 7.0, Viết 7.0), 3 năm kinh nghiệm làm việc ngoài Canada (NOC 2171), không biết tiếng Pháp, không đi học hay đi làm ở Canada, không có job offer, không có anh chị em ở Canada, điểm CRS là 441. Khi vào pool, mình không có hy vọng vì điểm cut-off rất cao. Một ngày đẹp trời, CIC hạ điểm và gửi thư mời, chắc là do số.

(Bổ sung tháng 2/2020) Gần đây điểm cut-off toàn trên 470. Nếu ở thời điểm này, mình sẽ nghiên cứu các cách khác: nâng IELTS lên CLB 10, nghiên cứu các chương trình tỉnh bang (ví dụ vô pool của tỉnh Saskatchewan chờ thời), cách cuối cùng là xin đi học post-grad hoặc master.

Cánh cửa hẹp vì mọi người đều giỏi, nhưng đất Canada vẫn còn rộng lắm, nếu kiên trì sẽ vẫn chen được một chân. Mình chúc bạn và gia đình mọi điều may mắn!


Tags: Canada Permanent Residence, PR, Federal Skilled Worker, FSW, Express Entry, EE, định cư Canada theo diện tay nghề cao, định cư Canada theo diện skilled worker, tìm hiểu về federal skilled worker, kinh nghiệm federal skilled worker

133 thoughts on “Chia sẻ kinh nghiệm lấy Canada PR từ Việt Nam theo chương trình Federal Skilled Worker – Express Entry (2017)

  1. Sammy says:

    Cảm ơn chị vì trang web chia sẻ đầy tâm huyết.
    Cho em hỏi một chút về điều kiện lúc đầu ban đầu là phải “Đạt ít nhất 67/100 điểm theo bảng đánh giá “Six selection factors” – Six selection factors – Federal Skilled Worker Program (Express Entry)”.
    Em tự đánh giá thì như sau:
    1. Language: 24 (giả định CLB 9 cho 4 skills)
    2. Education:
    3. Work Exp: 13 (exp 4 năm NOC A)
    4. Age: 12 (em năm nay 27 tuổi)
    5. Arranged employment in Canada: 0
    6. Adaptability: 5 (giả định chồng đạt CLB 4 cho 4 skills)
    Chưa tính phần Education thì em được 54 điểm, là còn thiếu 13 điểm nữa, vậy nên em cần đánh giá điểm của bằng cấp. Cái này em biết phải gửi cho WES hoặc các bên khác làm đánh giá mới biết chính xác điểm là bao nhiêu, nhưng nếu được chị có thể chia sẻ lúc trước chị đánh giá bằng ĐHSP của chị thì được bao nhiêu đối với phần này được không ạ? Em biết ơn chị rất rất nhiều ạ!

    Like

    • khoaimi says:

      Hi Sammy,

      Bằng đại học VN được coi là tương đương với bằng đại học Canada (có thể có vài trường hợp cá biệt không được công nhận tương đương nhưng chị chưa biết trường hợp nào).

      Bachelor’s Degree được 21 điểm. Em coi điểm cụ thể ở đây: https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/services/immigrate-canada/express-entry/documents/education-assessed/read-report.html

      Like

      • SAMMY says:

        Em cảm ơn chị đã phản hồi. Em còm câu hỏi nữa như sau, rất mong được chị hỗ trợ ạ.
        Trước đây em học ở trường bên Nhật, transcript là tiếng Nhật không song ngữ mà trường thì không có dịch vụ dịch thuật nên không thể gửi song ngữ trực tiếp cho WES.
        Phần em lại đang ở Việt Nam cho nên không thể lên trường xin transcript rồi đem đi dịch và cho vào phong bì sau đem lên trường xin chữ ký và dấu như mọi người thường làm được :((.
        Em thấy trên web của WES có ghi là bảng dịch có thể được upload trực tiếp lên My account. Vậy em có thể nhờ trường gửi email trực tiếp transcript bằng tiếng Nhật cho WES, còn em sẽ tự gửi bản dịch (hoặc upload lên My account) được không ạ?

        Like

  2. Phuong Vo says:

    Hello chị,

    Em biết đến blog chị đã hơn một tháng rồi. Chị cho em hỏi hiện nay theo em check lịch sử cut-off thì có vẻ như từ cuối năm 2020 họ đã không còn lựa pool “No specified program” như của chị nữa rồi.

    Cả năm 2021 đa số chỉ vét trong pool có đề cử của tỉnh/bang. Như vậy nếu không có job thì hiện tại diện này khá khó để apply. Em cũng trong ngành IT, em có xem vài job nhưng họ không tuyển outside thì bít cửa. Hy vọng được chị tư vấn thêm ạ.

    Em cảm ơn và chúc gia đình chị sức khỏe, vui vẻ ạ.

    Like

    • khoaimi says:

      Hi Phuong,

      Chị có nghe từ hồi Covid, CIC tập trung xét PR cho những ai “đã ở trong Canada rồi”, ví dụ chương trình CEC hoặc các chương trình khác. FSW phải chờ vậy. Có thể sau dịch họ sẽ mở lại nhiều hơn.

      Xin job từ ngoài Canada rất khó. Như chị nói nhiều bạn khác, vấn đề không phải là trình độ mà là giấy tờ. Doanh nghiệp muốn tuyển người ngoài Canada phải làm LMIA chứng minh không thể tuyển được từ trong Canada. Thủ tục này mất thời gian, tiền bạc nên các công ty nếu tuyển được từ trong Canada không ai làm làm gì. Tất nhiên luôn có trường hợp ngoại lệ, ví dụ các công ty lớn có chi nhánh ở đây, mình xin qua, hoặc job của mình khá đặc biệt, ít người làm giỏi như mình thì công ty sẽ làm LMIA để mình qua.

      Chị không dám tư vấn gì cả. Canada có mấy chục chương trình, và thay đổi thường xuyên. Nếu được thì em hẹn gặp một tư vấn di trú (RCIC), có trả tiền, để được tư vấn.

      Còn tám ngoài lề, ý kiến riêng của chị, nếu em đã làm ECA và thi IELTS, cứ nên tạo hồ sơ vô pool ngồi. Ngành IT lâu lâu được ưu tiên “gọi riêng”. Em cũng tìm hiểu thêm các chương trình tỉnh bang. Cách nữa là qua đây học khóa ngắn hạn rồi xin đi làm, qua đây có việc làm thì cơ hội PR là gần như chắc chắn.

      Có gì cứ nhắn lại, nếu biết chị sẽ trả lời. All the best.

      Like

      • Phuong Vo says:

        Hello chị,

        Em cảm ơn chị đã phản hồi,

        Em chưa làm ECA vì tính chờ xong bằng master IT ở VN (đang làm luận văn) rồi mới chuyển mà nếu vậy thì lâu quá. Chắc em ECA cái bằng đại học trước, thi ielts xong rồi mở cho sớm. Đó là đường EE giống chị.

        Em cũng có plan bakcup là học post-graduate, sau 1 tháng vùi đầu tìm hiểu thì có vẻ đi học xong ở lại làm vẫn là con đường an toàn nhất. Vấn đề phát sinh là em có vợ rồi, đang phân vân em hay vợ sẽ đi học. Em nghĩ để vợ đi học, mình thì ở ngoài làm, với kiếm job làm remote vì ngành IT dễ hơn (em chuyên mảng system, master học về ML và Bigdata). Tuy nhiên nếu em đi học , có bằng thì ra đi làm job IT ngon hơn. Tóm lại nguyên nhân rối thế này là do vấn đề tài chính có giới hạn, học 2 năm hơi đuối sức.

        Về các chương trình tỉnh/bang em có lướt qua thì đa phần họ cũng kêu mình tìm dc job ở tỉnh/bang đó, gắn bó lâu dài thì họ mới xét.

        Đó là các vấn đề em đang gặp phải, cũng khó khăn đấy nhưng em đã quyết đi rồi thì không cách này thì cũng cách khác.

        Hy vọng em giải thích rõ case của em. Nếu chị có thêm lời khuyên thì em cảm ơn chị nhiều lắm ạ.

        Best Regards.

        Like

        • khoaimi says:

          Hi Phương,

          Vậy là em cũng đã tìm hiểu kha khá rồi. Về “lý thuyết” (vì thực tế có thể rất khác), nếu em làm IT, vợ làm ngành khác khó xin việc hơn, thì để vợ đi học, em đi làm, lương em hai người sống khỏe, có khi em làm 1 năm xong xin PR trước khi vợ học xong luôn. Có PR/quốc tịch rồi thì sau này em muốn học lên cũng dễ mà, học phí có thể rẻ hơn sinh viên quốc tế nhiều nữa.

          Nói chung nếu là chị, ai mà hồ sơ đi học dễ thuyết phục hơn, dễ xin visa được hơn thì sẽ làm cho người đó. All the best nha!

          Like

  3. Marcus Le says:

    Chào anh chị,

    Em có theo dõi bài viết của anh chị từ những ngày đầu post bài và đến giờ, em cũng chuẩn bị qua Canada theo diện FSW (Cảm ơn anh chị đã chia sẻ kinh nghiệm!).

    Không biết anh chị có thể chia sẻ về việc mang tiền qua Canada được không ạ? Anh chị mang tiền mặt và thẻ ngân hàng tại Singapore qua Canada hay mở tài khoản tại Canada trước rồi chuyển tiền sang ạ? Em hiện ở Việt Nam nên việc dùng 1 số app như Remitly, … chưa được hỗ trợ!

    Cảm ơn anh chị và chúc anh chị tuần mới vui vẻ!

    Kind regards,

    Like

    • khoaimi says:

      Hi em,

      Welcome to Canada!

      Chị không có tài sản gì nên việc này rất dễ, hic. Chị đem chút tiền mặt đi đường, qua đây mở tài khoản rồi ibanking từ ngân hàng Singapore qua, xong đóng luôn tài khoản bên Sing.

      Chị thấy các bạn khác cũng chỉ đem chút qua trước, ổn định rồi từ từ tìm cách chuyển qua sau.

      Like

  4. Minh Quang says:

    Em chào anh chị ạ,

    Trước hết em cảm ơn chia sẻ của anh chị về diện FSW vì bài viết rất hữu ích, đã giúp cho em đi từ những ngày đầu tự tạo hồ sơ nộp vào pool cho tới bây giờ đã nhận được thư mời và submit hồ sơ xét duyệt. Thật sự rất là cảm kích luôn ^^.

    Em chỉ có một điều muốn hỏi là em thấy thời gian để trên website chính phủ khi duyệt đã tăng lên 26 tháng cho diện FSW nhưng mà liệu có khi nào người ta duyệt nhanh hơn không hay là đúng 26 tháng thì em mới nhận được kết quả? Tại em cũng thấy mọi người nói bây giờ Canada đang xét chậm lắm T.T Em hỏi vậy để em sắp xếp kế hoạch việc làm tại Việt Nam cho nó hợp lý hơn.

    Em cảm ơn anh chị nhiều ạ!!!

    Like

    • khoaimi says:

      Hi em,

      Congrats on the submission!

      Thời gian CIC để trên website là thời gian trung bình, còn hồ sơ nhà mình nhanh chậm là do … hên xui, không chỉ hồ sơ FSW mà mọi loại giấy tờ khác sau này cũng theo tinh thần hên xui như vậy, không ai biết chính xác được. Cứ làm việc, ăn chơi bình thường cho tới khi nhận được COPR thôi.

      All the best!

      Liked by 1 person

      • comosworld says:

        Dạ em cảm anh/chị, vậy chắc giờ em cứ lên kế hoạch về việc học để chuyển ngành trước rồi khi nào người ta gọi thì tính tiếp vậy ^^.

        Like

      • Anonymous says:

        Chào anh chị, lại là em đây ^^. Hiện tại, em muốn chia sẻ tin vui là em đã nhận được PPR rồi, năm nay bên IRCC giải quyết hồ sơ lẹ ghê.

        Em có một thắc mắc là, lúc mình nộp theo request letter của IRCC, mình có cần đóng thêm phí gì không nhỉ? Tại em coi thì thấy thư không có nói rõ, chỉ ghi một số documents cần thiết cho việc nộp thôi. Lúc em tra trên VFS thì lại thấy để có mục Permanent resident travel document mà cái đó cần đóng phí $50, lúc check tờ khai thì trong đó lại để thời gian mình trở thành PR – thấy có vẻ không đúng lắm.

        Không biết là lúc anh chị làm thì sao ạ? Em hơi rối chỗ này xíu T.T

        Cảm ơn anh chị nhiều ^^

        Like

        • khoaimi says:

          Sorry em chị không biết hiện nay như thế nào, mấy cái này có thể đã thay đổi so với khi chị làm, em cứ làm đúng theo thư hướng dẫn gửi cho em, hoặc em gọi lên cho VFS hỏi lần nữa cho chắc.

          Thời điểm chị làm, Permanent Resident Travel Document (PRTD) là khi mình cần quay lại Canada mà chưa có thẻ PR, còn lần đầu qua Canada mình đã có visa + PPR, không cần cái này.

          Like

  5. Anonymous says:

    Em chào chị. Cám ơn về chia sẻ vô cùng chi tiết của chị. Em hiện tại cũng đang trên kế hoạch định cư theo diện FSW, em băn khoăn là khi em là main application thì chồng em có cần phải là ECA và bắt buộc phải thi Ielts khi đăng ký Express Entry không ạ?

    Like

    • khoaimi says:

      Hi em, theo chị biết, nếu em claim điểm cái nào thì cần giấy tờ chứng minh cái đó, không claim điểm thì không cần chứng minh.

      Ý riêng của chị, có claim hay không cũng nên làm ECA và thi IELTS General, khi nào cần thì trưng ra. Ví dụ sau này thi quốc tịch, hai vợ chồng có IELTS lúc nộp hồ sơ, cứ thế trưng ra không phải đi thi lại gì.

      Like

  6. Anonymous says:

    Dear chị.Cảm ơn những lời chia sẻ của chị.cho em hỏi em năm nay 37 tuổi nếu làm diện xin pr cả nhà ở Vnam thì độ tuổi này cũng khó xin phải không ạ.Hiện em có kinh nghiệm làm việc admin lâu năm,ielts 5.Cảm ơn chị nhiều

    Like

    • khoaimi says:

      Hi em, chương trình này vẫn còn nhưng điểm cut-off giờ rất cao. Em tính điểm CRS của mình + coi cut-off gần đây rồi tính tiếp.

      Like

Leave a comment